Báo cáo của Sở TN&MT tỉnh cho biết: Ninh Bình được đánh giá là tỉnh có tiềm năng về tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Hiện toàn tỉnh có 66 đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn 6 huyện, thị xã ở 102 khu vực theo giấy phép đã được cấp với tổng diện tích 691,12 ha. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trong thời gian qua đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền địa phương và các ngành có liên quan; duy trì thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra ngăn chặn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản; đặc biệt là Quyết định quy định khu vực cấm, tạm cấm khai thác khoáng sản trên địa bàn với mục đích bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa, công trình an ninh quốc phòng, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ…
Công tác cấp giấy phép hoạt động khoáng sản thực hiện tương đối nghiêm túc, đúng trình tự, đúng thẩm quyền theo hướng cải cách thủ tục hành chính. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác khoáng sản bước đầu có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật và của tỉnh đảm bảo an ninh trật tự, an toàn lao động, khai thác có hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên…
Tuy nhiên, hoạt động khoáng sản vẫn còn những bất cập: khai thác không đúng vị trí, khai thác làm ô nhiễm môi trường, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chức năng, chính quyền địa phương còn chưa nhịp nhàng, chặt chẽ. Một số doanh nghiệp chưa nghiêm túc chấp hành pháp luật, quy định…
Hội nghị đã nghe ý kiến của lãnh đạo các sở: Xây dựng, Công thương, LĐTB&XH…thuyết trình về các nghị định, thông tư của Nhà nước; quyết định, quy định của tỉnh và nghe tâm tư, kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp.
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, đồng chí Phan Tiến Dũng, TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: đối với cơ quan quản lý nhà nước, đề cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động trong công việc; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với nhau, tránh lấn sân chồng chéo; nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ tham mưu, giúp việc.
Đối với UBND các huyện, thị có trách nhiệm quản lý khai thác khoáng sản, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội; tăng cường công tác kiểm tra hoạt động khoáng sản trên địa bàn; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về hoạt động khoáng sản đến mọi người dân và các cơ quan đơn vị trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.
Đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản, phải hiểu các văn bản về luật, dưới luật trong hoạt động khai thác khoáng sản; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với Nhà nước, nhất là phí bảo vệ môi trường, quỹ phục hồi môi trường- các vấn đề này giao cho Sở TN&MT theo dõi, kiểm tra ở các doanh nghiệp và có thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; các doanh nghiệp chú trọng đến các thủ tục hồ sơ đăng ký hoạt động, đào tạo nghề, tập huấn an toàn lao động cho cán bộ, công nhân viên và người lao động.
Đinh Chúc