Ông Nguyễn Khải Hoàn, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cho biết: Để tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, thời gian qua, Sở Công thương đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Trung ương và địa phương về kinh doanh xăng dầu đến các đơn vị có liên quan và các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu để cập nhật và thực hiện đầy đủ, đúng pháp luật.
Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh xăng dầu về các vấn đề như an toàn phòng, chống cháy nổ; bảo vệ môi trường; điều kiện, tiêu chuẩn kinh doanh;… góp phần nâng cao nhận thức, đảm bảo các điều kiện và năng lực kinh doanh cho doanh nghiệp.
Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, do vậy, Sở Công thương đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ các khâu thẩm định hồ sơ, điều kiện, tiêu chuẩn thực tế khi cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, đảm bảo đúng quy trình, thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Hiện nay, 100% hồ sơ cấp giấy chứng nhận được thực hiện trên hệ thống Một cửa liên thông.
Theo thống kê của sở Công thương, hiện toàn tỉnh có 182 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; trong đó có 1 doanh nghiệp xuất nhập khẩu xăng dầu; có 4 doanh nghiệp đầu mối có mạng lưới kinh doanh xăng dầu và có chi nhánh trên địa bàn tỉnh; 12 doanh nghiệp là thương nhân phân phối, có mạng lưới phân phối xăng dầu tại Ninh Bình; 230 cửa hàng bán lẻ xăng dầu được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cửa hàng bán lẻ xăng dầu; 3 kho xăng dầu trên địa bàn tỉnh đang hoạt động, với tổng sức chứa khoảng gần 12.000 m3 và 1 kho xăng dầu đã đầu tư xây dựng nhưng chưa đi vào hoạt động có dung tích 4.800 m3, 1 kho xăng dầu đang xây dựng có dung tích 4.800m3.
Từ đầu năm đến nay, xăng dầu trong nước đã 6 lần tăng giá. Điều này khiến người dân, doanh nghiệp lo ngại tình trạng khan hàng, chất lượng, đo lường không bảo đảm và gian lận về giá. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu Ninh Bình.
Theo đó, Sở Công thương đã phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường Ninh Bình và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu nhằm ngăn chặn nguy cơ gây đứt gãy nguồn cung xăng dầu trên địa bàn. Bên cạnh đó yêu cầu thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ xăng dầu có phương án đảm bảo nguồn cung, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong hệ thống.
Sở Công thương cũng đã thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn các huyện, thành phố; tập trung kiểm tra việc chấp hành quy định về hệ thống phân phối, hợp đồng mua bán trong hệ thống phân phối; quy định về giá và niêm yết giá, về thời gian bán hàng; về thương hiệu và nhận diện thương hiệu; phòng cháy, bảo vệ môi trường; tiêu chuẩn chất lượng về đo lường trong kinh doanh xăng dầu;...
Qua công tác kiểm tra cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều có các phương án cần thiết để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống; đảm bảo các cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của đơn vị bán hàng đủ thời gian, cung cấp đủ, kịp thời số lượng, chủng loại xăng dầu cho thị trường; ổn định mức dự trữ lưu thông xăng dầu tối thiểu cả về lượng và cơ cấu chủng loại theo kế hoạch tiêu thụ đã được xác định hàng năm của thương nhân.
Đối với thương nhân phân phối, mặc dù đặt trong bối cảnh khó khăn chung nhưng đã rất nỗ lực, chủ động nguồn cung, dự trữ lượng xăng dầu đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, không để xảy ra tình trạng khan hiếm.
Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng cam kết chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của các đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối, không để xảy ra tình trạng các cửa hàng đóng cửa, giảm thời gian bán hàng, đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá; duy trì thông tin bằng văn bản về khả năng sản lượng cung ứng xăng dầu cho hệ thống cửa hàng trực thuộc và đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu trên địa bàn.
Dự báo thời gian tới, giá xăng dầu còn tiếp tục biến động. Các cơ quan chức năng cần huy động sự phối hợp của người dân trong việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu để góp phần giữ cho thị trường ổn định và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp và người dân sử dụng xăng dầu tiết kiệm, hiệu quả.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm