Các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học đã nghiên cứu và cảnh báo: Hoạt chất 2.4 D và Paraquat có khả năng gây một số bệnh cho động vật và con người. Chất 2.4 D rất độc với mắt (xếp loại độ độc 1 đối với mắt), có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến các tế bào máu trắng, do đó làm tăng nguy cơ gây ung thư bạch huyết ở người, sử dụng lâu dài gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, nội tiết và hệ miễn dịch.
Trong các thuốc trừ cỏ chứa 2.4 D đều có một lượng chất Chlorophenol không được tổng hợp hết gọi là phenol tự do. Chlorophenol tồn tại tương đối lâu và có thể chuyển hóa thành chất Dioxin, có khả năng kích thích tế bào ung thư phát triển, gây đột biến tế bào và dị dạng cơ thể người và động vật máu nóng. Còn chất Paraquat lại ảnh hưởng nhiều đến chức năng phổi, thận, tim. Người bị phơi nhiễm trực tiếp Paraquat qua đường da, đường hô hấp trên hay đường miệng đều có thể dẫn đến ngộ độc, thậm chí là tử vong mà không có thuốc giải độc.
Về mặt ảnh hưởng tới môi trường, hệ sinh thái thì Paraquat được hấp thụ nhanh và mạnh bởi keo đất. Khi hấp thu vào đất, Paraquat phân hủy chậm từ 7-20 năm do thuốc đã bị keo đất giữ chặt và trở thành chất trơ không hoạt động.
Trong nước, Paraquat không bị thủy phân hoặc quang phân. Trong môi trường nước tự nhiên, Paraquat được hấp thụ nhanh vào các hạt sa lắng hay các hạt huyền phù. Trên đây chỉ là 2 trong số 9 hoạt chất thuốc BVTV cực độc mà Bộ NN&PTNT đã có quyết định loại bỏ ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam (Bao gồm: Carbendazim, Benomyl, Thio Phanate-Methyl, 2.4D, PARAQUAT Acephate, Diazinon, Malathion, Zinc). Bà Đinh Thị Thao, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết: Chúng ta đang hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ, hiện đại và xanh sạch để bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, đẩy mạnh xuất khẩu. | 9 loại hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật bị nghiêm cấm buôn bán, sử dụng từ năm 2019 Căn cứ vào 3 quyết định số: 03, 278 và 3435 của Bộ NN&PTNT về việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam thì từ năm 2019 tới đây sẽ có 9 loại hoạt chất thuốc BVTV bị nghiêm cấm buôn bán, sử dụng. Cụ thể: Thuốc BVTV chứa hoạt chất Carbendazim, Benomyl, Thio Phanate-Methyl chỉ được buôn bán sử dụng đến ngày 03/01/2019; thuốc BVTV chứa hoạt chất 2.4D, PARAQUAT chỉ được buôn bán sử dụng đến ngày 08/02/2019; thuốc BVTV chứa hoạt chất Acephate, Diazinon, Malathion, Zinc chỉ được buôn bán sử dụng đến ngày 27/10/2019. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định 31/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật thì tổ chức, cá nhân có hành vi vận chuyển, buôn bán thuốc BVTV không có tên trong danh mục thuốc BVTV được sử dụng tại Việt Nam có thể bị phạt tiền từ 1 đến 50 triệu đồng. |
Để đạt được mục tiêu này, buộc phải giảm thiểu tình trạng lạm dụng các loại hóa chất trong nông nghiệp bằng cách thay thế dần các loại thuốc hóa học, phân bón vô cơ, các hoạt chất có độc tính cao sang các loại thuốc BVTV hiệu quả, an toàn hơn, đặc biệt là các loại thuốc sinh học.
Do vậy thời gian vừa qua, Bộ Nông nghiệp & PTNT đã quyết định loại bỏ nhiều hoạt chất BVTV độc hại ra khỏi danh mục. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ, Chi cục đã có thông báo rộng rãi đến UBND các huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc BVTV, các HTX biết và thực hiện.
Đồng thời, Chi cục cũng siết chặt công tác quản lý việc sử dụng, kinh doanh buôn bán thuốc BVTV; tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn để các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc, không nhập và bán những loại thuốc sẽ loại khỏi danh mục. Tuyên truyền cho người dân chỉ sử dụng các loại thuốc trong danh mục cho phép, chỉ phun trừ khi có nguy cơ gây thiệt hại đến năng suất, chất lượng cây trồng; vận động để bà con tăng cường sử dụng thuốc BVTV hữu cơ, sinh học.
Tại Yên Thái, huyện Yên Mô, sản xuất nông nghiệp xã này những năm gần đây phát triển khá mạnh và hiệu quả, cả cây lúa và cây màu đều có diện tích lớn. Ông Đào Viết ái, Chủ tịch UBND xã cho biết: Là một trong những đơn vị được tỉnh chọn để thực hiện thí điểm tái cơ cấu nông nghiệp sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, xã thường xuyên tuyên truyền, tập huấn cho nhân dân thực hiện sản xuất an toàn. Vào các đợt phòng trừ sâu bệnh tập trung thì chúng tôi thông báo trên hệ thống loa truyền thanh để bà con biết loại thuốc, biết thời điểm phun trừ sao cho hiệu quả.
Thực hiện quyết định của Bộ Nông nghiệp & PTNT về việc loại bỏ một số hoạt chất độc hại ra khỏi danh mục thuốc được phép sử dụng, thời điểm này, xã đang phối hợp với các ngành chuyên môn tăng cường kiểm tra, kiểm soát và tuyên truyền để các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn hiểu về những tác hại của thuốc, từ đó không nhập, bán những loại thuốc sẽ loại khỏi danh mục.
Trao đổi với một số nông dân ở xã chúng tôi được biết, đa phần bà con mua thuốc BVTV ở HTX bởi mua thuốc ở HTX họ được hướng dẫn cụ thể và việc phun trừ vì thế cũng hiệu quả hơn. "Dùng thuốc BVTV sẽ độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe nên chúng tôi hạn chế tối đa trong sản xuất. Tôi rất ủng hộ việc loại bỏ các hoạt chất BVTV có độc tính cao như việc làm vừa qua của Bộ Nông nghiệp & PTNT để xây dựng một nền nông nghiệp sạch, an toàn", một người dân chia sẻ.
Bà Phạm Thị Tâm, một chủ đại lý phân bón, thuốc BVTV ở xã Yên Mạc, huyện Yên Mô cho biết: Vừa qua, được sự tuyên truyền, hướng dẫn của cán bộ Chi cục BVTV tỉnh, tôi được biết có một số hoạt chất BVTV sẽ không được phép kinh doanh nữa, qua kiểm tra, rà soát thấy tại cửa hàng của gia đình vẫn còn một số sản phẩm chứa các hoạt chất này. Tuy nhiên, nếu đó thực sự là sản phẩm có độc tính cao thì tôi sẽ dừng nhập, trả lại hàng và tìm các sản phẩm khác an toàn hơn để kinh doanh.
Bài, ảnh: Hà Phương