Chất cấm trong chăn nuôi còn được gọi là chất tạo nạc thuộc nhóm Beta-agonist với 3 chất tiêu biểu là Clenbuterol; Salbutamol và Ractoppamine - đây là các chất đứng đầu bảng của danh mục 18 chất kháng sinh, hóa chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi. Nhóm chất cấm này theo các nhà khoa học sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của con người nếu ăn phải thịt của vật nuôi bị sử dụng nhiều chất cấm.Nhận thức rõ mức độ nguy hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, từ giữa tháng 12-2015 đến nay, cùng với nhiều địa phương trong cả nước, Ninh Bình đã triển khai đợt cao điểm kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Hơn 70 cơ sở bao gồm các điểm chăn nuôi, giết mổ, quầy bán thịt lợn, các cửa hàng, đại lý kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi đã được kiểm tra. Qua kiểm tra, tiến hành test thử nhanh, kết quả có 49/50 mẫu thức ăn chăn nuôi; 69/70 mẫu nước tiểu, 3/3 mẫu thịt âm tính với Salbutamol-là chất cấm trong chăn nuôi. Tuy nhiên, qua kiểm tra cũng đã phát hiện 1 hộ chăn nuôi ở xã Xích Thổ, huyện Nho Quan có sử dụng chất cấm. Điều đó cho thấy, chất cấm trong chăn nuôi vẫn chưa được đẩy lùi, cá biệt có hộ chăn nuôi do thiếu hiểu biết nên vẫn mua chất cấm về sử dụng, không chỉ gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng mà còn ảnh hưởng đến uy tín của ngành chăn nuôi. Nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Sau khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, ngành chăn nuôi trong nước đứng trước nhiều thử thách. Để xây dựng và phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững, hơn ai hết những người chăn nuôi cần nhận thức rõ mức độ nguy hại và nói không với việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Đây cũng là một trong những điều kiện cần và đủ để sản phẩm nông nghiệp cạnh tranh trên thị trưởng mở khi chúng ta gia nhập TPP.
Từ 1-7-2016, Bộ luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực. Theo các quy định mới của Bộ luật, các hành vi sử dụng chất tạo nạc cấm trong chăn nuôi sẽ được xếp vào khung xử lý hình sự thay vì hành chính như trước. Các hành vi dùng chất cấm, ngay cả khi chưa xác định được hậu quả nghiêm trọng, sẽ bị phạt tù từ 1-5 năm. Nếu có tình tiết tăng nặng, hành vi sử dụng chất tạo nạc cấm trong chăn nuôi có thể xử phạt tù lên đến 20 năm. Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã có Chỉ thị về tăng cường quản lý chất cấm trong chăn nuôi. Bộ yêu các các địa phương xử lý thật mạnh tay các vi phạm. "Hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không chỉ vi phạm pháp luật mà còn là hành vi phi đạo đức phải bị cộng đồng dư luận tố cáo, tẩy chay", Chỉ thị của Bộ nêu rõ.
Nhiệm vụ đặt ra cho các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở là cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn, tiến tới giải quyết dứt điểm các hành vi vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho người chăn nuôi, người tiêu dùng nắm rõ được tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Cùng với đó, các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại vật tư nông nghiệp; thanh tra, kiểm tra tập trung chủ yếu dưới hình thức đột xuất, phát hiện và chấn chỉnh cũng như xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Việc triển khai để các hộ, các trang trại chăn nuôi, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y trên địa bàn tỉnh ký cam kết không sử dụng, buôn bán chất cấm trong chăn nuôi cũng là một biện pháp hữu hiệu để đẩy lùi chất cấm trong chăn nuôi. "Nói không với chất cấm trong chăn nuôi"- đó là thông điệp để ngành chăn nuôi phát triển một cách bền vững, lâu dài và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Minh Châu