Phóng viên: Xin ông cho biết rõ hơn về bệnh dịch tả lợn châu Phi và mức độ nguy hiểm của nó? Ông Nguyễn Tiến Mạnh: Bệnh dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên đàn lợn, bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỉ lệ chết cao, lên đến 100%. Bệnh này hiện không có thuốc chữa và chưa có vacxin để phòng bệnh.
Khi bệnh xảy ra, trở thành dịch và lưu cữu nhiều năm, virus có sức sống rất tốt: trong máu 6 năm (bảo quản lạnh), lách 2-2,5 năm, phân ẩm 122 ngày, nước tiểu 45 ngày. Tuy nhiên, qua theo dõi cho thấy bệnh không lây sang người và các loài động vật khác, virus gây bệnh nhạy cảm dễ bị tiêu diệt với các chất sát trùng: Formol 2%, NaOH 3 - 4% và các loại thuốc sát trùng chuồng trại.
Về cơ chế lây bệnh, bệnh dịch tả lợn châu Phi có cơ chế lây qua đường tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Biểu hiện lợn bệnh là sốt rất cao, chết từ từ chứ không chết ồ ạt như các loại bệnh lây qua đường hô hấp. Nguồn vi rút có thể phát tán qua quá trình vận chuyển động vật và các sản phẩm động vật bị nhiễm vi rút, thông qua chim di cư từ vùng khí hậu lạnh đến nơi ấm hơn. Ngoài ra, cũng có nguyên nhân từ thói quen của người dân, khách du lịch mang theo thực phẩm thịt lợn có mầm bệnh vào Việt Nam.
Bệnh có nhiều biểu hiện: quá cấp, cấp tính, mãn tính và không điển hình, tỷ lệ bệnh và chết cao (100%); đặc trưng là thâm tím da phần lớn cơ thể, viêm xuất huyết tràn lan đường tiêu hóa, hạch lâm ba và thận. Bệnh tích xuất huyết thâm tím ở tai, bẹn, bụng và mặt đùi sau, chân rồi hoại tử. Máu chảy ra từ lỗ tự nhiên: mũi, miệng, hậu môn. Các cơ quan nội tạng xuất huyết, gan lách sưng to, các hạch lâm ba sưng và xuất huyết.
Bệnh xảy ra quanh năm, thời gian ủ bệnh 5-10 ngày, sốt cao 41- 42 độ C, kéo dài liên tục 4 ngày với thể trạng bình thường. Sau đó, lợn ủ rũ, lờ đờ, suy nhược, ho thở khó; run, dáng đi loạng choạng, nằm chồng lên nhau, nái sảy thai.
PV: Hiện nay, diễn biến của bệnh dịch tả lợn châu Phi trên thế giới và tại Việt Nam đang như thế nào?
Ông Nguyễn Tiến Mạnh: Thống kê của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 18/2/2019, đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP). Tổng cộng đã có hơn một triệu con lợn buộc phải tiêu hủy.
Tại Trung Quốc, từ ngày 3/8/2018 đến ngày 18/2/2019, có 105 ổ dịch xuất hiện tại 25 tỉnh (trong đó có nhiều ổ dịch xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới với Việt Nam). Tổng cộng đã có hơn 950.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.
Tại Việt Nam, ngày 19/2/2019, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã chính thức họp báo thông tin tại Việt Nam đã phát hiện có 8 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại hai tỉnh là Hưng Yên và Thái Bình với 8 hộ có lợn mắc bệnh, đã tiến hành tiêu hủy trên 250 con lợn tại các ổ dịch.
PV: Ông đánh giá như thế nào về khả năng dịch bệnh có thể xâm nhiễm vào Ninh Bình và ngành chuyên môn đã có những giải pháp gì để ứng phó?
Ông Nguyễn Tiến Mạnh: Hiện nay, nguy cơ dịch bệnh lây lan trên địa bàn tỉnh Ninh Bình là rất cao, vì dịch bệnh đã xảy ra tại Hưng Yên và Thái Bình, rất gần với tỉnh ta, có nhiều tuyến đường giao thông đi qua tỉnh ta. Chúng ta lại rất khó kiểm soát các phương tiện giao thông vận chuyển động vật và sản phẩm động vật, chưa kiểm soát được du khách đi du lịch và chim hoang dã di cư.
Trước tình hình đó và ngay khi có các văn bản chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Thú Y, cơ quan chuyên môn đã tham mưu cho Sở, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh động vật nói chung và phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Ninh Bình tới các huyện và thành phố. Triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2019 do tỉnh ban hành. Hỗ trợ vácxin cung cấp hóa chất sát trùng để tiến hành phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Thành lập các tổ công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát buôn bán, vận chuyển lậu, không rõ nguồn gốc đối với động vật và các sản phẩm động vật tại các tuyến đường giao thông đầu mối đi vào tỉnh cũng như trên địa bàn các huyện. Triển khai ngay công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi đến hệ thống thú y cấp huyện và cấp xã.
Tăng cường kiểm tra, rà soát, nắm bắt thông tin kịp thời chẩn đoán, lấy mẫu xét nghiệm ngay khi nghi ngờ lợn có dấu hiệu mắc bệnh. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu về bệnh, chấp hành tốt các quy định trong phòng, chống dịch bệnh với các nội dung như: Thường xuyên sát trùng chuồng trại cả bên trong và bên ngoài chuồng trại, lối đi ra vào trại. Hạn chế nhân viên ra khỏi trại khi không cần thiết. Hạn chế tối đa người vào trại.
Chăm sóc đàn lợn chu đáo, phòng bệnh bằng vắcxin đối với các bệnh do virus, tăng cường sức đề kháng cho lợn, có thể bổ sung thêm vitamin C, vitamin nhóm B, Beta glucan… theo dõi tình trạng sức khỏe, giám sát tình hình sức khỏe toàn đàn lợn hàng ngày, để đưa ra giải pháp xử lý kịp thời nếu có dấu hiệu nghi ngờ lợn mắc bệnh.
Có biện pháp diệt côn trùng, chuột trong trại. Không cho chó, mèo, gà, vịt vào trại lợn,... Kịp thời báo cơ quan thú y và chính quyền địa phương khi nghi ngờ hoặc có dịch bệnh xảy ra, không bán chạy, giết mổ, lợn ốm, lợn chết.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hà Phương (thực hiện)