Căn cứ vào tình hình thực tế của tỉnh, Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Ninh Bình đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã; các ngành liên quan triển khai khẩn cấp một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm như sau: 1. Chỉ đạo phòng nông nghiệp & PTNT, phòng kinh tế, trạm thú y, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác giám sát đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn đến tận các hộ chăn nuôi; khi phát hiện gia súc, gia cầm ốm, chết có biểu hiện triệu chứng nghi ngờ của bệnh dịch phải kịp thời báo cho cơ quan thú y để chẩn đoán và lấy mẫu xét nghiệm, có biện pháp phòng, chống kịp thời, không để dịch phát tán và lây lan. 2. Tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển ngoại tỉnh; kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm chặt chẽ; vận động thực hiện việc giết mổ tập trung, thực hiện việc kiểm soát giết mổ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và hạn chế lây lan dịch bệnh. Các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thành lập các đoàn liên ngành bao gồm thú y, quản lý thị trường, y tế, cảnh sát môi trường kiểm tra đột xuất, định kỳ công tác giết mổ, vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm.
3. Đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm vụ thu đông 2008 theo Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 19-9-2008 của UBND tỉnh Ninh Bình. Chuẩn bị về vật tư, kỹ thuật tổ chức tốt tiêm phòng mũi 2 đợt 2-2008 cho đàn gia cầm, tiêm phòng vắc xin lở mồm, long móng (LMLM) lần 2-2008 cho gia súc của huyện Nho Quan trong chương trình quốc gia khống chế và thanh toán bệnh LMLM giai đoạn 2006-2010. 4.Tăng cường công tác vệ sinh khử trùng, tiêu độc môi trường, chuồng trại, bãi chăn thả; đối với những vùng do mưa to kéo dài, do xả tràn bị ngập úng, khi nước rút vận động nhân dân quét rửa sạch bùn, thu gom rác thải, xác động vật chết đem chôn; tổ chức phun khử trùng, tiêu độc bằng các loại hóa chất từ 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày toàn bộ khu vực chuồng trại, sân vườn, đường làng ngõ xóm, bãi chăn thả...Kiểm tra toàn bộ đàn gia súc, gia cầm, tổ chức tiêm phòng các loại bệnh thường hay bùng phát sau ngập lụt theo hướng dẫn của cơ quan thú y. 5. Chi cục Thú y phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức kiểm tra công tác tiêm phòng vắc xin, công tác phòng, chống dịch, việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho tiêm phòng, hỗ trợ cho chủ hộ có gia súc, gia cầm buộc tiêu hủy của năm 2008.
6. Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu rõ nguy hại của dịch bệnh gia súc, gia cầm và các biện pháp phòng, chống; vận động nhân dân thực hiện "3 không": Không giấu khi gia súc mắc bệnh, không bán chạy hoặc giết thịt gia súc bệnh, không vứt xác gia súc chết bừa bãi; "5 không" đối với bệnh cúm gia cầm. Vận động nhân dân áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.