Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh và Giám đốc Chương trình WCS Việt Nam Hoàng Bích Thủy đồng chủ trì Hội thảo. Dự Hội thảo có đại diện Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Trung tâm Con người và thiên nhiên; đại diện cảnh sát Môi trường, tòa án, hải quan; Chi cục Kiểm lâm một số tỉnh, thành phố.
Với lợi nhuận được đánh giá ngang bằng với buôn lậu vũ khí, ma túy và buôn bán người, vấn nạn buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) đang ngày càng diễn biến phức tạp. Việt Nam không chỉ bị coi là một quốc gia tiêu thụ ĐVHD mà còn là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới trung chuyển, buôn bán ĐVHD trái phép xuyên quốc gia.
Trước thực trạng đó, đồng thời thể hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế trong đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, ngăn chặn các hành vi buôn bán, tiêu thụ ĐVHD, tháng 6/2017, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể, đầy đủ hơn cho đấu tranh phòng, chống loại tội phạm nói trên.
Đặc biệt, Luật Lâm nghiệp được ban hành ngày 29/11/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019 hứa hẹn là một công cụ hiệu quả góp phần bảo vệ ĐVHD. Trong luật Lâm nghiệp mới thay thế Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 có những quy định hết sức cụ thể liên quan đến bảo vệ ĐVHD như: các hành vị bị cấm: săn bắt, nuôi nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng, thu thập mẫu vật các loại động vật rừng trái quy định; quy định trong quản lý, bảo vệ, khai thác, kinh doanh ĐVHD gồm: danh mục, chế độ quản lý, các điều kiện về truy xuất nguồn gốc, việc xuất nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất; các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng nhằm tạo môi trường bảo vệ và phát triển ĐVHD; chính sách đầu tư của nhà nước; chính sách hợp tác quốc tế...
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng để các luật đã ban hành thực sự phát huy hiệu quả, đóng góp cho các nỗ lực bảo vệ ĐVHD, Quốc hội cần tăng cường các hoạt động giám sát; đánh giá mức độ đầy đủ, rõ ràng cụ thể, kịp thời của các văn bản hướng dẫn thủ tục hành chính về bảo vệ động vật hoang dã từ Trung ương đến địa phương; năng lực của tổ chức, cán bộ từ Trung ương đến địa phương trong việc đáp ứng yêu cầu quản lý, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật như cơ quan kiểm lâm, cơ quan kiểm định chăn nuôi, y tế, hải quan, công an, viện kiểm sát, tòa án; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen hành vi người dân và toàn xã hội về bảo vệ động vật hoang dã…
Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận về trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan, chính quyền các địa phương trong việc hướng dẫn, thi hành các quy định về quản lý, bảo vệ ĐVHD; khuyến nghị về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và xã hội trong việc thúc đẩy các hoạt động này.
Theo chương trình, ngày 7/4, các đại biểu có chuyến thăm quan thực tế và cập nhật công tác cứu hộ một số loài ĐVHD bị buôn bán trái phép tại Trung tâm cứu hộ tê tê và thú ăn thịt nhỏ.
Hà Phương- Trường Giang