Nhằm ngăn chặn các mặt hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng và bình ổn giá cả thị trường, những năm qua Sở Công thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các lực lượng liên ngành thường xuyên tổ chức kiểm tra về giá cả, chất lượng hàng hóa, kiểm soát tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng trên địa bàn. Qua đó đã giúp cho các chủ cửa hàng, chủ doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện việc niêm yết đúng giá, đảm bảo chất lượng sản phẩm, không xảy ra trường hợp bán hàng quá hạn sử dụng, hàng gian, hàng giả. Để hỗ trợ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Chi cục Quản lý thị trường đã triển khai tốt công tác bình ổn thị trường, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe cho người tiêu dùng. Đồng thời chủ động phòng ngừa và xử lý nghiêm các truờng hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại.
Chi cục Quản lý thị trường xây dựng kế hoạch chỉ đạo Đội Quản lý thị trường chủ động hoặc phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và được thực hiện thường xuyên như công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật trên thị trường về lĩnh vực giá; chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; kiểm tra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ năm 2012 đến nay đã tổ chức kiểm tra trên 25.000 vụ, xử lý 6.000 vụ vi phạm, tổng số tiền thu phạt gần 25 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực đo lường chất lượng, Sở Công thương đã phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn và đo lường chất lượng, (Sở Khoa học và Công nghệ) và các ngành chức năng thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực: đồ chơi trẻ em, xăng dầu, vật liệu xây dựng, mũ bảo hiểm, thiết bị điện và điện tử,… nhằm bảo vệ quyền lợi và sức khỏe cho người tiêu dùng.
Từ năm 2012 đến nay, đã kiểm tra 47 cuộc, các lĩnh vực, mặt hàng vi phạm như mũ bảo hiểm (thử nghiệm không đạt chất lượng, không nhãn phụ bằng tiếng Việt), xăng dầu (không trang bị đầy đủ bình đong, ca đong theo quy định, ghi thông tin trên cột đo xăng dầu không đúng quy định), vật liệu xây dựng (thép làm cốt bê tông, gạch nung). Qua đó, yêu cầu cơ sở tạm dừng lưu thông hàng hóa và cam kết khắc phục.
Bên cạnh đó, thường xuyên tuyên truyền công tác VSATTP trong việc kinh doanh thuốc chữa bệnh, kiểm tra việc niêm yết giá thuốc, sử dụng mỹ phẩm an toàn, phòng chống bệnh truyền nhiễm. Trong năm 2017, toàn tỉnh đã thành lập 374 đoàn kiểm tra, kiểm tra gần 7.000 cơ sở, số cơ sở đạt là 84,2%; phạt tiền 109 cơ sở; nội dung vi phạm chủ yếu của các cơ sở kinh doanh thực phẩm là điều kiện vệ sinh, con người và trang thiết bị dụng cụ...
Các cơ quan chức năng đã tổ chức thanh tra, kiểm tra phân bón, thuốc BVTV, thuốc thú y, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, thủy sản vi phạm nhãn, chất lượng hàng hóa, ngoài danh mục, thuốc quá hạn sử dụng; vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; sử dụng ngư cụ cấm trong khai thác thủy sản…
Bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các chủ cửa hàng, doanh nghiệp không kinh doanh các mặt hàng xuất xứ không rõ ràng, hàng kém chất lượng được chú trọng. Hằng năm, Sở Công thương có công văn gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình, Báo Ninh Bình, UBND huyện, thành phố, các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh chủ động tổ chức các hoạt động hưởng ứng như:
Treo băng rôn, khẩu hiệu hưởng ứng tại trụ sở cơ quan, đơn vị; đăng, phát các nội dung trên website của đơn vị các thông tin có liên quan đến Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam; phát hành bản tin, bài viết, phóng sự tuyên truyền trên đài phát thanh, truyền hình về quyền của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã cử cán bộ tham dự các hội thảo, lớp tập huấn về nghiệp vụ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...
Nhờ làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, phối kết hợp với các ngành chức năng liên quan, quyết liệt trong công tác xử lý và chống gian lận thương mại, do đó hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, hàng hóa đa dạng, phong phú; việc kinh doanh hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, buôn bán hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại diễn biến không phức tạp, chưa phát hiện đường dây, ổ nhóm lớn, chủ yếu là vi phạm nhỏ, lẻ. Từ đó, góp phần tạo lòng tin cho người tiêu dùng trên địa bàn.
Bảo Yến