Cùng Đội quản lý thị trường thành phố Ninh Bình kiểm tra tình hình lưu thông, buôn bán hàng hóa trên thị trường thành phố, chúng tôi nhận thấy, sức mua tại các cửa hàng, siêu thị tương đối mạnh, phần lớn các chủ cửa hàng, đơn vị sản xuất, kinh doanh thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước về đảm bảo đủ nhãn mác, xuất xứ, chất lượng hàng hóa.
Anh Phạm Minh Chính, chủ cơ sở kinh doanh bánh kẹo, hàng tạp hóa ở phường Vân Giang (thành phố Ninh Bình) cho biết: "Được sự hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra thường xuyên của lực lượng chức năng, các mặt hàng kinh doanh tại cửa hàng luôn được kiểm tra và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Chúng tôi cũng hiểu rõ, người tiêu dùng hiện đã "thông thái" hơn rất nhiều nên để tránh mất khách sẽ không bán các mặt hàng trôi nổi, hàng lậu không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng...
Đặc biệt, vài năm gần đây, các mặt hàng phục vụ Tết tương đối đa dạng, phong phú, nhiều doanh nghiệp trong nước đã quan tâm, chú trọng đến đổi mới mẫu mã, hạ giá thành và đặc biệt là sản phẩm đảm bảo VSATTP nên được người Việt Nam ưu tiên tiêu dùng.
Đồng chí Nguyễn Khải Hoàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Theo quy luật, bước vào những tháng cuối năm do nhu cầu tiêu dùng tăng cao nên tình hình thị trường thường diễn biến phức tạp với những biến động về giá cả và tình trạng vi phạm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế và đời sống người dân.
Để chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhân dân, ngay từ đầu tháng Chạp, các doanh nghiệp, cửa hàng trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch dự trữ đầy đủ các hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là những mặt hàng có nhu cầu cao như quần áo, giày dép, hàng tiêu dùng, hàng thực phẩm để tung ra thị trường dịp giáp Tết.
Theo đó, cùng với sự đa dạng của hàng hóa trên thị trường, tình hình gian lận thương mại và hàng kém chất lượng cũng sẽ có nhiều diễn biến khá phức tạp. Vì vậy, để đảm bảo thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.
Theo đó, bắt đầu từ đầu tháng 12-2016, các Đội Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát tại các đại lý, cơ sở buôn bán lớn để phát hiện, ngăn chặn hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, quá hạn sử dụng có thể được tập kết và phân phối đưa về các huyện và vùng nông thôn để tiêu thụ.
Công tác kiểm tra, kiểm soát tập trung vào các cơ sở bán buôn, đại lý phân phối, siêu thị, các chợ ở trung tâm thành phố và các huyện, các khu công nghiệp; các điểm tập kết hàng hóa, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.
Trong đó chú trọng vào việc thực hiện các quy định về niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, an toàn vệ sinh thực phẩm của một số mặt hàng thường tăng mạnh vào dịp cuối năm và trước Tết Nguyên đán như rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá, bánh kẹo, giày dép, hàng điện tử, điện dân dụng, lương thực, thực phẩm…, nhằm đảm bảo thị trường phục vụ Tết ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân.
Cùng với công tác kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường còn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân về các quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay, Chi cục Quản lý thị trường đang tăng cường công tác chủ động nắm bắt địa bàn, nhận diện đối tượng để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về thương mại dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Cùng với đó, Chi cục Quản lý thị trường cũng phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, góp phần ngăn chặn tình trạng kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm chất lượng VSATTP, gây hại cho môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh, đảm bảo người dân được đón Xuân, vui Tết chất lượng, an toàn.
Bài, ảnh: Hạnh Chi