PV: Xin đồng chí cho biết khái quát một số kết quả đã đạt được trong năm 2019 về công tác kiểm soát thị trường?
Đ/c Bùi Văn Quý: Trong năm 2019, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình đã kiểm tra 2.618 vụ (đạt 86,6% so với năm 2018), xử lý 1.603 vụ (đạt 103% so với năm 2018) với 1.639 hành vi vi phạm, tổng số tiền thu phạt 10 tỷ đồng (đạt 101,9% so với năm 2018), trong đó: phạt tiền 3.578.020.000 đồng, tiền bán đấu giá hàng tịch thu 4.529.749.000 đồng.
Căn cứ tình hình thị trường và sự chỉ đạo của các cơ quan cấp trên, Cục đã xây dựng và triển khai 6 kế hoạch kiểm tra chuyên đề gồm: kiểm tra đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019; kiểm tra chuyên đề "Tháng hành động vì ATTP" năm 2019; kiểm tra chuyên đề đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; kiểm tra chuyên đề dịp Tết Trung thu và kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với mặt hàng đường dịp cối năm.
Đồng thời, các Đội Quản lý thị trường trực thuộc đã ban hành và triển khai thực hiện 12 kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với các mặt hàng: vật tư nông nghiệp, xăng dầu, các mặt hàng phục vụ dịp đầu năm học mới, vật liệu xây dựng, thiết bị vệ sinh, đồng hồ, máy vi tính, thiết bị máy vi tính, máy văn phòng... trên địa bàn phụ trách.
PV: Vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại có xu hướng gia tăng, xin đồng chí cho biết những hành vi, vi phạm có thể xảy ra?
Đ/c Bùi Văn Quý: Tết Nguyên đán là đợt cao điểm diễn ra các vụ vi phạm, gian lận trong thương mại. Các đối tượng làm ăn phi pháp lợi dụng sự lưu thông hàng hóa đa dạng, phong phú đã đẩy mạnh hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng quá hạn sử dụng, không qua kiểm dịch...
Mặc dù hiện tại, tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tương đối ổn định, hàng hóa được lưu thông bình thường, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Giá cả hàng hóa và dịch vụ ổn định, không có biến động lớn.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, giá lợn hơi có biến động tăng do nguồn cung thịt lợn khan hiếm và nhiều hộ vẫn chưa dám tái đàn vì lo nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh bùng phát trở lại. Trong những tháng cuối năm, nguồn cung thịt lợn trên thị trường bị thiếu hụt, giá thịt lợn lên cao kéo theo giá cả các mặt hàng thực phẩm trên thị trường cũng có xu hướng tăng lên.
Tình hình vi phạm pháp luật về buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, gian lận thương mại, hàng giả tiếp tục có những diễn biến phức tạp, phương thức thủ đoạn tinh vi hơn và xảy ra rộng khắp trên các địa bàn, lĩnh vực. Các hành vi vi phạm chủ yếu như: kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vận chuyển kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm về an toàn thực phẩm, ghi nhãn hàng hóa, niêm yết giá bán hàng hóa và các điều kiện trong kinh doanh…
Đặc biệt, một số đối tượng lợi dụng việc giới thiệu, bán sản phẩm hàng hóa tại các vùng nông thôn với giá cao kèm theo khuyến mãi nhằm mục đích lừa dối khách hàng; tập trung vào các mặt hàng như: rượu, thuốc lá điếu, thực phẩm, xăng dầu, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc tân dược, đồ chơi trẻ em và các mặt hàng tiêu dùng khác.
PV: Để hạn chế tối đa tình trạng gian lận thương mại, giữ ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh có những giải pháp cụ thể gì, thưa đồng chí?
Đ/c Bùi Văn Quý: Nhằm đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, ổn định thị trường hàng hóa trong dịp Tết, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt Cục đã chỉ đạo các Đội chú trọng triển khai Kế hoạch kiểm tra chuyên đề chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong, sau Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội Xuân 2020. Qua đó, góp phần bình ổn thị trường; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa hợp pháp đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường, cung ứng kịp thời cho nhân dân đón Tết Nguyên đán vui tươi, an toàn và lành mạnh.
Đồng thời yêu cầu hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính phải tuân thủ theo đúng nội dung, trình tự của Thông tư số 35/2018/TT-BCT ngày 12/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; không gây khó khăn, phiền hà cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh; đảm bảo các hoạt động kinh doanh hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được diễn ra bình thường. Các hành vi vi phạm đều phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đồng thời công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính phải gắn với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng được kiểm tra. Nâng cao tinh thần trách nhiệm và hiệu quả giải quyết công việc; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; xử lý kiên quyết không có vùng cấm trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn.
Đồng thời chủ động theo dõi sát những diễn biến trên thị trường, kịp thời phát hiện những biến động về cung cầu, về giá cả hàng hóa lưu thông trên thị trường, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường ngăn chặn và có biện pháp xử lý kịp thời đối với các hành vi vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo ATTP, vi phạm sở hữu trí tuệ và các hành vi vi phạm khác.
Cục cũng chỉ đạo các đơn vị kết hợp công tác kiểm tra với công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Thơm (Thực hiện)