PV: Xin đồng chí dự báo về tình hình thị trường hàng hóa trong dịp Tết Nguyên Đán? Ông Bùi Văn Quý: Dịp Tết Nguyên đán, dự báo tình hình thị trường hàng hóa sôi động và sức mua trên thị trường sẽ tăng cao.Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại Ninh Bình trong các tháng giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 ước khoảng 507 tỷ đồng, tăng khoảng 10-20% so với các tháng trong năm, một số mặt hàng như thực phẩm tươi sống, chế biến, rau củ có thể tăng trên 20%.
Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đều tăng lượng hàng hóa sản xuất, dự trữ và phân phối, nhất là các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết như: lương thực, thực phẩm, rượu bia, hàng điện tử, quần áo, giày dép...
Trong dịp Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu dùng còn tập trung vào các mặt hàng truyền thống như bánh, mứt, kẹo, nước giải khát,... Tết năm nay, nhìn chung, hàng hóa trên thị trường đều phong phú, đa dạng về chủng loại, có mẫu mã đẹp, chất lượng tương đối đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
PV: Vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại có xu hướng gia tăng, xin đồng chí cho biết những hành vi, vi phạm có thể xảy ra?
Ông Bùi Văn Quý: Tết Nguyên đán là cao điểm diễn ra các vụ vi phạm, gian lận trong thương mại vì đây là thời điểm các đối tượng làm ăn phi pháp đẩy mạnh hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng quá hạn sử dụng, không qua kiểm dịch...
Thủ đoạn của gian thương ngày càng tinh vi để đối phó như: trà trộn, cất giấu hàng lậu trên các phương tiện lớn, lẫn lộn giữa nhiều loại hàng hóa khác nhau, thủ đoạn liều lĩnh, manh động nhằm gây khó khăn cho việc kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ và xử lý của các lực lượng chức năng.
Nhiều đối tượng vì lợi nhuận sẵn sàng mua hàng lậu, hàng kém chất lượng, sau đó hợp lý hóa đơn bán hàng thông thường vận chuyển vào nội địa thay nhãn hàng hóa, biến thành hàng sản xuất trong nước, biến hàng thấp cấp thành cao cấp đưa ra lưu thông trên thị trường. Những mặt hàng dễ vi phạm nhất là: các loại hàng công nghệ phẩm, thực phẩm đóng gói sẵn; đồ điện gia dụng; mỹ phẩm, rượu ngoại…
Với phương thức thủ đoạn mới, ngày càng tinh vi gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính, đặc biệt là gây tác động xấu đến tình hình kinh tế xã hội, an ninh trật tự, sức khỏe người dân và môi sinh, môi trường.
PV: Để hạn chế tối đa tình trạng gian lận thương mại, giữ ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh có những giải pháp cụ thể gì, thưa đồng chí ?
Ông Bùi Văn Quý: Nhằm ổn định thị trường hàng hóa trong dịp tết, Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt Chi Cục đã chỉ đạo các Đội chú trọng triển khai Kế hoạch kiểm tra chuyên đề chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong, sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội Xuân 2018.
Đồng thời chủ động theo dõi sát những diễn biến trên thị trường, kịp thời phát hiện những biến động về cung cầu, về giá cả hàng hóa lưu thông trên thị trường, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường ngăn chặn và có biện pháp xử lý kịp thời đối với các hành vi vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo ATTP, vi phạm sở hữu trí tuệ và các hành vi vi phạm khác.
Tập trung kiểm tra, kiểm soát, kịp thời ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại như: vật liệu nổ, pháo nổ, pháo hoa, đồ chơi trẻ em mang tính kích động bạo lực, văn hóa phẩm cấm lưu hành, thuốc lá ngoại, động vật hoang dã...; các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 như: thực phẩm (đặc biệt là rượu ngoại, bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo, đường, sữa và các sản phẩm từ sữa, tinh bột, các sản phẩm từ tinh bột, phụ gia thực phẩm), thực phẩm đông lạnh, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến, hoa quả, rau củ quả; gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm; sản phẩm may mặc, giầy dép, chăn ga, gối đệm, điện tử, điện dân dụng, mũ bảo hiểm, vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, xăng dầu (tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện lộ trình xăng sinh học E5 RON 92), khí dầu mỏ hóa lỏng, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, điện thoại di động và phụ kiện,… và các loại hình dịch vụ như: nhà hàng, khách sạn, lưu trú, các dịch vụ phục vụ Lễ hội.
Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thực hiện tốt kế hoạch kiểm tra chuyên đề chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và đảm bảo ATTP dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa Lễ hội năm 2018 của Đoàn kiểm tra Liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, của Đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP số 2 của tỉnh.
Cùng với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Pháp Luật về gian lận thương mại, hàng gải, hàng nhái... Chi Cục Quản lý thị trường phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc bảo vệ quyền lợi của mình và vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh ký cam kết và tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hồng Giang (thực hiện)