Những ngày đầu tháng Chạp, dạo quanh một số chợ lớn trên địa bàn thành phố Tam Điệp và thành phố Ninh Bình nhận thấy không khí mua bán, trao đổi hàng hóa phục vụ dịp Tết đã khá sôi nổi, tấp nập.
Tìm hiểu tại một số quầy hàng bánh kẹo nhận thấy, bên cạnh những mặt hàng sản xuất trong nước, của các địa phương thường có đủ bao bì, tem nhãn..., vẫn còn khá nhiều loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác ghi nơi sản xuất, hạn sử dụng cũng như hướng dẫn bảo quản… vẫn được bày bán công khai.
Theo nhiều chủ hàng, đây là loại bánh kẹo được nhập từ Trung Quốc, Thái Lan và nhập theo "lố", tính theo cân nên không có các thông tin, nhưng người mua cứ yên tâm, chất lượng đảm bảo, giá cả phải chăng. Các loại quả được làm mứt, như bí xanh, táo, vải, nhãn, ô mai… màu sắc sặc sỡ với đỏ, xanh, vàng, tím… được bỏ trong túi nilon, buộc dây kếp, trọng lượng từ 0,5- 1kg trở lên nhưng không hề có một thông tin nào về thành phần, chất lượng sản phẩm cũng như nơi sản xuất, hạn sử dụng…
Giá cả các loại bánh kẹo, mứt quả này cũng rất đa dạng, người bán chào hàng giá "trên trời" nhưng người mua trả với giá "xuống đất" cũng vẫn được bán và mỗi người mua một giá, cho thấy không rõ các mặt hàng này chất lượng và giá cả thực là bao nhiêu?
Cùng với sự sôi động của các mặt hàng bánh kẹo, rau củ, lương thực…, các cơ sở sản xuất thực phẩm cũng bắt đầu lên kế hoạch mua nguyên liệu, chuẩn bị nhân công sản xuất hàng phục vụ Tết. Bà Trần Thị Tuyết, chủ một cơ sở sản xuất giò chả, nem mọc phường Vân Giang (thành phố Ninh Bình) cho biết, vào thời điểm đầu tháng Chạp hiện nay, mỗi ngày bà đã nhận làm hàng chục kg giò chả, nem mọc, do cuối năm nhiều gia đình tổ chức cưới hỏi, cúng lễ, tạ mộ; nhiều người còn cẩn thận đặt một phần tiền trước cả tháng để lấy giò, mọc số lượng lớn dùng cho gia đình và biếu anh em, bạn bè.
Theo bà Tuyết, các cơ sở sản xuất, đặc biệt là những món ăn truyền thống phục vụ Tết để giữ được khách đều phải đảm bảo về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu không chỉ làm được 1 năm là mất khách …
Bà Nguyễn Thị Hường, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Vào dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng lương thực, thực phẩm như bánh kẹo, giò chả, thực phẩm tươi sống… sẽ tăng từ 40-50% so với ngày thường. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, nhất là tại các chợ dân sinh, rất nhiều mặt hàng như bánh mứt kẹo được bán theo cân, theo lạng không có tem nhãn; các loại thực phẩm tươi sống cũng rất khó kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, không có chứng nhận đảm bảo ATTP.
Bên cạnh đó, một trong những khó khăn lớn trong công tác đảm bảo ATVSTP dịp cuối năm đó là, phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đều là nhỏ lẻ, phân tán, trong khi đó lực lượng làm công tác đảm bảo ATVSTP còn mỏng, hệ thống trang thiết bị còn thiếu; thói quen tiêu dùng thực phẩm của một bộ phận người dân mang tính tự phát, chủ yếu sử dụng thực phẩm tại chợ, không quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ, vì vậy rất khó khăn cho hoạt động kiểm tra, kiểm soát…
Nhằm đảm bảo ATVSTP dịp cuối năm, ngăn ngừa nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm, BCĐ liên ngành ATTP tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai đợt cao điểm về ATTP dịp cuối năm và mùa lễ hội xuân 2017. Theo đó, các sở, ngành liên quan như Sở Y tế, Sở Nông nghiệp &PTNT, Sở Công thương, Công an tỉnh phối hợp tổ chức 3 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, cao điểm từ đầu tháng Chạp đến Tết Âm lịch 2017.
Cụ thể, Sở Y tế tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, các chợ dân sinh và các loại hình thực phẩm được phân công quản lý. Sở Nông nghiệp &PTNT đẩy mạnh kiểm soát hoạt động nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản nông sản thực phẩm.
Sở Công thương tăng cường thanh, kiểm tra, siết chặt quản lý và ngăn chặn việc nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh trái phép các loại hình thực phẩm, hàng giả, kém chất lượng, nhập lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh. Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, công an các địa phương nắm chắc tình hình các tuyến, địa bàn trọng điểm về sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; phối hợp với các ngành liên quan điều tra, ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm về ATVSTP.
Cùng với đó, UBND các huyện, thành phố quan tâm đến công tác quản lý Nhà nước về ATTP tại từng địa phương; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng chất cấm, hóa chất độc hại trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm; tăng cường quản lý, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố, bệnh viện, khu du lịch, nơi tập trung đông người.
Song song với tăng cường công tác thanh, kiểm tra, để tạo hiệu quả tích cực hơn nữa trong đợt cao điểm về ATTP này, các ngành chức năng triển khai đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, giáo dục, cung cấp kiến thức pháp luật và khoa học về ATTP cho cộng đồng; kịp thời thông tin kết quả thanh, kiểm tra về ATTP; nêu gương tổ chức, cá nhân chấp hành tốt các quy định của pháp luật; đồng thời phê phán, nêu tên các cơ sở, sản phẩm không đảm bảo an toàn.
Hoạt động truyền thông, giáo dục cần thực hiện theo hướng đổi mới về nội dung, hình thức và phương pháp, phù hợp với từng nhóm đối tượng nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, từng bước nâng cao ý thức người sản xuất và tiêu dùng trong thực hiện ATVSTP, đảm bảo sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Mỹ Hạnh