Xác định công tác GPMB phục vụ Tiểu dự án là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thị xã Tam Điệp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động toàn bộ hệ thống chính trị, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan cùng vào cuộc. Trong đó, tích cực tuyên truyền, vận động, giải thích, nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, ý nghĩa của dự án.
Mặc dù người dân đồng tình ủng hộ dự án nhưng vấn đề mấu chốt hiện nay là nhiều hộ dân còn băn khoăn, thắc mắc và kiến nghị xung quanh các nội dung liên quan đến công tác bồi thường GPMB. Phần lớn các hộ dân đề nghị giải quyết những kiến nghị nằm ngoài chế độ, chính sách hiện hành của Nhà nước như: đề nghị Nhà nước làm đường gom dân sinh trước mới thi công cầu vượt; do Nhà nước làm cầu vượt nên giá trị đất, tài sản của các hộ bị mất giá trị, đề nghị Nhà nước có chính sách đền bù thỏa đáng; đề nghị Nhà nước đền bù diện tích đất lưu không mà các hộ đang sử dụng; đề nghị Nhà nước hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống trong thời gian thi công cầu vượt…Vì vậy, trong quá trình triển khai công tác GPMB, mặc dù thị xã đã vào cuộc rất tích cực nhưng nhiều hộ vẫn chưa chấp hành chủ trương của Nhà nước, cố tình ngăn cản, phong tỏa không cho chủ đầu tư và nhà thầu triển khai thi công công trình trong phạm vi đất Nhà nước quản lý đã được bàn giao.
Tại hội nghị đối thoại với nhân dân phường Tây Sơn, ông Tống Xuân Toán, tổ 4, phường Tây Sơn đề nghị: Chính quyền địa phương cần xem xét lại các chế độ, chính sách đối với các hộ thuộc diện GPMB dự án cầu vượt đường sắt. Trước đây, đất hai bên đường Quốc lộ 1A rất có giá trị nhưng nay khi triển khai dự án xây dựng cầu vượt, giá trị đất bị giảm, việc kinh doanh buôn bán bị hạn chế... Chúng tôi mong rằng Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cho nhân dân về việc làm sau khi GPMB, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ về giá trị đất... để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Hộ bà Nguyễn Thị Thân (phường Nam Sơn) là diện phải tái định cư cũng có kiến nghị: Gia đình tôi hiện chỉ có 2 mẹ con, đứa con gái bị bệnh tâm thần. Cuộc sống hàng ngày dựa vào việc buôn bán. Hiện nay Nhà nước GPMB lấy toàn bộ nhà đất của gia đình tôi là 47m2 (theo sổ đỏ) nhưng chỉ đền bù cho gia đình tôi hơn 400 triệu đồng. Như vậy theo tôi là quá thấp, đề nghị Hội đồng GPMB thị xã Tam Điệp tính toán lại việc bồi thường, hỗ trợ đối với gia đình tôi.
Để người dân sớm ổn định cuộc sống, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND thị xã Tam Điệp tiến hành rà soát lại khối lượng kiểm đếm, phương pháp tính toán, chính sách và đơn giá đảm bảo đúng các bước theo quy định của pháp luật về công tác hỗ trợ bồi thường GPMB. Hội đồng GPMB cần nghiên cứu kỹ các chế độ, chính sách, quy định của Nhà nước, áp dụng tối đa các chính sách về đền bù, hỗ trợ GPMB cho nhân dân. Đồng thời thành lập Tổ công tác của tỉnh do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan trực tiếp nắm bắt tình hình, giải quyết các vướng mắc, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để chỉ đạo thị xã Tam Điệp giải quyết dứt điểm không để tình trạng này kéo dài.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thị xã Tam Điệp đã tiến hành nhiều công việc như: hoàn thiện bộ văn bản trả lời các câu hỏi, thắc mắc, kiến nghị của các hộ dân; chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc rà soát lại quy trình, phương pháp, chính sách, chế độ thực hiện công tác GPMB dự án nhằm đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng luật, đúng trình tự, đảm bảo tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của dân nhưng không nằm ngoài quy định; kiểm tra, rà soát lại kết quả kê khai, kiểm đếm theo đề nghị của một số hộ dân.
Đặc biệt, thị xã Tam Điệp đã tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân thuộc diện bồi thường, GPMB của dự án thuộc 2 phường Tây Sơn và Nam Sơn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải đáp những thắc mắc của nhân dân.
Dự buổi đối thoại có lãnh đạo các sở, ngành có liên quan trong tỉnh như: Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra... Buổi đối thoại đã diễn ra trong không khí dân chủ, cởi mở và thẳng thắn. Lãnh đạo các sở, ngành đã trực tiếp giải đáp các ý kiến, kiến nghị của các hộ dân theo đúng các bước và trình tự quy định của pháp luật về các nội dung có liên quan đến công tác bồi thường, GPMB. Theo đó, Hội đồng GPMB thị xã Tam Điệp đã và đang vận dụng một cách tối đa theo hướng có lợi cho các hộ dân thuộc diện bồi thường, GPMB khi triển khai thi công dự án theo các quy định của pháp luật, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước và nhân dân. Do vậy, các hộ dân cần chấp hành tốt các quy định của pháp luật về vấn đề này. Về phía nhân dân, theo đánh giá nhiều hộ dân đã hiểu hơn về quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình, đồng tình và chia sẻ với Nhà nước khi thực hiện các công trình phúc lợi xã hội.
Thiết nghĩ, Tiểu dự án đầu tư xây dựng công trình Nút giao thông giữa đường sắt Bắc - Nam với Quốc lộ 1A tỉnh Ninh Bình là một công trình trọng điểm của thị xã Tam Điệp, dự án nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A, đồng thời còn là điểm nhấn về mỹ quan đô thị của thị xã trên lộ trình trở thành thành phố. Chính vì vậy, trong quá trình triển khai rất cần có sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Về phía Nhà nước, trong thời gian tới thị xã Tam Điệp sẽ tiếp tục tổ chức đối thoại, giải đáp mọi ý kiến, kiến nghị của các hộ dân để dự án sớm được thi công, đảm bảo yêu cầu tiến độ đề ra.
Nguyễn Thơm