Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 tỉnh, năm 2018, dự báo tình hình kinh tế - xã hội trong tỉnh tiếp tục có bước tăng trưởng và phát triển, thị trường hàng hóa phong phú, đa dạng, mạng lưới thương mại ngày càng được đầu tư phát triển mạnh.
Tuy nhiên đi cùng với sự phát triển đó là sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường, đặc biệt là trong các dịp lễ, tết. Đây là thời điểm các đối tượng sẽ đẩy mạnh hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và các hành vi kinh doanh trái phép khác.
Thủ đoạn của gian thương ngày càng tinh vi để đối phó như: trà trộn, cất giấu hàng lậu trên các phương tiện lớn, lẫn lộn giữa nhiều loại hàng hóa khác nhau, thủ đoạn liều lĩnh, manh động nhằm gây khó khăn cho việc kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ và xử lý của các lực lượng chức năng.
Nhiều đối tượng vì lợi nhuận sẵn sàng mua hàng lậu, hàng kém chất lượng, sau đó hợp lý hóa đơn bán hàng thông thường vận chuyển vào nội địa thay nhãn hàng hóa, biến thành hàng sản xuất trong nước, biến hàng thấp cấp thành cao cấp đưa ra lưu thông trên thị trường. Những mặt hàng dễ vi phạm nhất là: các loại hàng công nghệ phẩm, thực phẩm đóng gói sẵn; đồ điện gia dụng; mỹ phẩm, rượu ngoại…
Trước những khó khăn phức tạp trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban chỉ đạo 389 của tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa ngay từ những tháng đầu năm, đặc biệt là thị trường Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội năm 2018.
Các đơn vị, nhất là Chi cục Quản lý thị trường đã chủ động theo dõi sát những diễn biến trên thị trường, kịp thời phát hiện những biến động về cung cầu, về giá cả hàng hóa lưu thông trên thị trường; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và có biện pháp xử lý kịp thời đối với các hành vi vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo ATTP, vi phạm sở hữu trí tuệ và các hành vi vi phạm khác.
Đồng thời tập trung kiểm tra, kiểm soát, kịp thời ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại như: vật liệu nổ, pháo nổ, pháo hoa, đồ chơi trẻ em mang tính kích động bạo lực, văn hóa phẩm cấm lưu hành, thuốc lá ngoại, động vật hoang dã...; các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Các Đội QLTT thường xuyên nắm bắt diễn biến về giá cả, cung cầu hàng hóa, lượng dự trữ hàng hóa, tăng cường công tác kiểm tra về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; Kiểm tra, giám sát đối với 6 doanh nghiệp với 100 điểm bán hàng bình ổn giá hàng hóa trong thời gian trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 trên các huyện, thành phố.
Bên cạnh đó, Chi cục QLTT chủ trì 2 Đoàn kiểm tra liên ngành, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tổ chức xây dựng Kế hoạch kiểm tra chuyên đề về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 và Kế hoạch kiểm tra liên ngành về ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và dịp Lễ Hội xuân 2018.
Qua công tác kiểm tra, kiểm soát trong dịp Tết Nguyên đán cho thấy thị trường hàng hóa tương đối ổn định, không xảy ra hiện tượng mất bình ổn thị trường hay khan hiếm hàng và sốt giá, giúp người tiêu dùng yên tâm khi mua sắm. Kết quả trong tháng 02/2018, Chi cục QLTT đã kiểm tra 407 vụ; xử lý 234 vụ, với 240 hành vi vi phạm; Tổng số tiền thu phạt hơn 1,2 tỷ đồng.
Sau các đợt cao điểm đảm bảo ổn định thị trường Tết Nguyên đán, các ngành chức năng đang tập trung vào công tác kiểm tra kiểm soát thị trường phục vụ Lễ hội như: kiểm tra các loại hình dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, lưu trú, các dịch vụ phục vụ Lễ hội); kiểm tra các cơ sở kinh doanh hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thanh, kiểm tra, xử phạt các điểm kinh doanh thịt dê tươi sống tự phát, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự xã hội trên các tuyến đường giao thông vào các khu, điểm du lịch của tỉnh.
Cùng với đó, Ban chỉ đạo 389 của tỉnh tiếp tục chỉ đạo các thành viên thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các cơ quan, đơn vị chức năng các cấp tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các tuyến, địa bàn, lĩnh vực quản lý.
Mở các đợt thanh tra, kiểm tra về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, ngành hàng, nhóm mặt hàng, nhất là các mặt hàng trọng điểm có liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng như: lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, nội thất, xăng dầu, khí dầu hóa lỏng, hoạt động mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, pháo nổ, rượu ngoại, thuốc lá, hàng may mặc...
Xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra theo chuyên đề của Ban chỉ đạo 389 tỉnh và Đoàn kiểm tra Liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của tỉnh, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm vận chuyển, mua bán các mặt hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm an toàn thực phẩm về đo lường, chất lượng.
Tổ chức tuyên truyền, phố biến pháp luật với hình thức đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng, kết hợp với vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh ký cam kết hoặc tiếp tục thực hiện không kinh doanh hàng hóa nhập lậu; không sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng giả...
Giáng Hương