Do biến đổi khí hậu nên nguy cơ xảy ra những hình thái thời tiết nguy hiểm như mưa lớn, nắng gay gắt, lạnh bất thường, mưa lớn cục bộ…. . là rất lớn. Đặc biệt là những cơn bão mạnh xảy ra không có quy luật và ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Tại tỉnh ta, trong năm 2016 cơn bão số 1 đã làm thiệt hại lớn về tài sản, nhất là thiệt hại về điện. Trong tháng 7/2017 đã có tới 3 cơn bão hình thành và ảnh hưởng đến thời tiết nước ta. Mặc dù là tỉnh không bị ảnh hưởng trực tiếp từ các cơn bão, nhưng trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một đợt mưa lớn kéo dài. Việc mưa kéo dài gây tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về điện, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân, doanh nghiệp.
Để đảm bảo an toàn lưới điện, ngay từ đầu năm nay, ngành điện tỉnh đã triển khai đến tất cả các đơn vị trực thuộc nhiệm vụ đảm bảo an toàn lưới điện mùa mưa bão như: tiến hành rà soát các tuyến đường dây, thiết bị điện trên lưới; khắc phục, xử lý ngay các nguy cơ có thể dẫn đến cột điện bị nghiêng, ngã đổ trong mùa mưa bão; phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý nguy cơ các cây xanh, bảng quảng cáo có khả năng ngã đổ vào đường dây, trạm biến áp gây chập điện, cháy nổ... bảo đảm cấp điện ổn định, an toàn liên tục trong mùa mưa bão.
Cùng với sự nỗ lực của ngành điện, các cấp, các ngành, các đơn vị liên quan đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động của người dân trong việc thực hiện tốt các nội quy an toàn điện nhằm tránh các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Chị Lê Thị Tuyền, huyện Yên Khánh cho biết: Tham gia lớp tuyên truyền về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả của Trung Tâm khuyến công và Xúc tiến thương mại tổ chức, người dân đã hiểu được các nguy cơ về điện gây ra và các cách nâng cao an toàn về sử dụng điện trong mùa mưa bão.
Không chỉ nâng cao nhận thức về điện cho gia đình, bản thân chị còn thường xuyên nhắc nhở, vận động bà con tổ dân phố có ý thức bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, kịp thời thông báo các trường hợp đe dọa vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao, hạ áp.
Theo anh Trương Quốc Bình, cán bộ phòng Tiết kiệm Năng lượng, Trung Tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, để phòng tránh tai nạn điện, đặc biệt là mùa mưa bão, các tổ chức, cá nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt những điều cần thiết về an toàn lưới điện.
Cụ thể, người dân, doanh nghiệp không xây dựng lấn chiếm trái phép hành lang an toàn lưới điện cao áp và không đào xới, trồng cây gần các công trình điện. Những người không có nhiệm vụ không trèo lên cột điện hoặc vào trạm điện.
Không nên sử dụng thiết bị điện không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện an toàn và không dùng dây trần làm dây dẫn điện trong nhà. Các thiết bị điện trong nhà cần được lắp riêng biệt cho từng tầng, có bộ phận ngắt điện riêng. Đối với những nhà xây dựng khu vực có nguy cơ ngập lụt cần lắp đường dây điện, ổ cắm cao trên 1,5m đề phòng bị ngập nước.
Trong mùa mưa bão, cần kiểm tra hệ thống dây và các thiết bị điện trong nhà, tránh để dột và ẩm ướt ở những nơi có điện. Khi kiểm tra xem có điện hay không phải dùng bút thử điện để thử và thường xuyên kiểm tra dây dẫn từ nhà ra cột điện.
Nếu có dấu hiệu mưa dông bất thường, điều đầu tiên cần làm đó là kiểm tra lại tất cả các thiết bị điện trong nhà và lập tức rút các nguồn điện chưa cần sử dụng đến vì máy tính, điện thoại đang sạc, hay ti vi, ấm siêu tốc... đều là những thiết bị rất dễ thu hút nguồn điện nên có khả năng cao xảy ra hư hỏng, thậm chí cháy nổ trong mưa bão. Trường hợp nhà bị ngập nước mà không cắt được điện thì phải đứng trên các nơi chưa bị ngập, gọi điện hoặc kêu cứu để mọi người báo đơn vị điện lực quản lý cắt điện.
Đặc biệt khi người hoặc chân tay bị ướt không được tiếp xúc với điện và các thiết bị điện bị ngấm nước phải sấy khô mới được sử dụng. Khi thấy dây dẫn điện bị đứt, các thiết bị điện bị đổ hoặc thấy nguy cơ mất an toàn không lại gần và cảnh báo cho mọi người chung quanh, đông thời báo đơn vị điện lực quản lý cắt điện. Nếu phát hiện có những điểm không đảm bảo an toàn, nên báo ngay cho Điện lực nơi sở tại.
Hồng Giang