Ông Phạm Hữu Khánh, Chánh văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh cho biết: Nguồn vốn sử dụng để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các tuyến đường của Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh phụ thuộc rất nhiều vào việc thu phí của các đơn vị và ý thức tự giác nộp phí của nhân dân. Việc thu phí bảo trì đường bộ đối với ô tô trên địa bàn tỉnh được giao cho các Trung tâm đăng kiểm, vì vậy việc thu phí đối với các xe ô tô cơ bản được thuận lợi. Tuy nhiên, việc thu phí các xe mô tô được giao cho các phường, xã, thị trấn tổ chức thu, hiện còn gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết do người dân chưa nhận thức rõ sự cần thiết của Quỹ bảo trì đối với hạ tầng giao thông nên chưa tự giác nộp phí; các đơn vị có trách nhiệm thu phí bảo trì vẫn chưa thực hiện quyết liệt, nhiều địa phương chưa thực hiện thu, nộp theo quy định. Theo thống kê còn tới 22 xã, phường, thị trấn trong tỉnh chưa thực hiện thu phí, còn các đơn vị đã thực hiện thu, cao nhất cũng chỉ mới đạt 65% kế hoạch. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng chưa thực hiện chế tài xử phạt khiến người dân trì hoãn việc nộp phí.
Ngày 30-5-2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2014/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ, trong đó có nội dung sẽ để lại tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu phí sử dụng đường bộ đối với các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, một số đơn vị, địa phương cố tình chậm thu phí sử dụng đường bộ để chờ thực hiện theo Nghị định mới. Thời gian tới, nguồn vốn của Quỹ bảo trì đường bộ sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa, do có Thông tư 133 của Bộ Tài chính quy định, hướng dẫn bảo trì đường bộ có hiệu lực từ 1-11-2014, có nhiều thay đổi, như: thay vì trước đây thu phí đối với tất cả đầu xe và các sơmi, romooc kéo theo, nhưng theo Thông tư 133 thì chỉ thu trên 1 đầu xe; đồng thời Thông tư 133 cũng quy định việc miễn giảm thu phí cho các hộ nghèo.
Hiện nay, Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh quản lý 2 nguồn vốn để thực hiện bảo trì đường bộ. Trong đó nguồn vốn thứ nhất là nguồn kinh phí 35% được trích từ Quỹ Trung ương về theo nguồn thu phí bảo trì đường bộ đối với ô tô trên địa bàn tỉnh; nguồn vốn thứ 2 là thu phí bảo trì đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn tỉnh. Đối với nguồn vốn 35% do Trung ương cấp về, sẽ được sử dụng để sửa chữa, bảo dưỡng cho các tuyến đường do tỉnh quản lý. Theo kế hoạch, năm 2014 Quỹ sẽ được cấp trích 41 tỷ đồng, tính đến ngày 14-10-2014, Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh đã được cấp 31,8 tỷ đồng, đạt 85%, Quỹ đã tham mưu và phối hợp tổ chức thực hiện duy tu, bảo dưỡng 7 tuyến đường do tỉnh quản lý là đường ĐT 477, ĐT 477B, ĐT 479B, ĐT 479D, ĐT 481B, ĐT 481D, ĐT 482, đến thời điểm này đã thực hiện duy tu, bảo dưỡng xong 5 tuyến đường, số tuyến đường còn lại sẽ thực hiện xong trong tháng 10-2014.
Hội đồng Quỹ bảo trì đường bộ sẽ tiếp tục tham mưu, khảo sát các tuyến đường và sử dụng bảo trì hết nguồn kinh phí 41 tỷ đồng được cấp trích từ Trung ương trong năm 2014. Đối với thu phí bảo trì đường bộ với xe mô tô, nguồn vốn này sẽ được sử dụng để duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường do địa phương quản lý. Theo kế hoạch năm 2014, số tiền Quỹ bảo trì đường bộ thu về đối với xe mô tô là hơn 9,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến ngày 14-10-2014, Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh mới chỉ thu được 2,54 tỷ đồng, đạt 25,8% kế hoạch và truy thu được gần 240 triệu đồng của năm 2013. Với nguồn kinh phí hạn hẹp, do vậy số lượng các tuyến đường được bảo dưỡng, nâng cấp sửa chữa chưa được nhiều và chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, bởi còn rất nhiều các tuyến đường, nhất là ở vùng sâu, vùng xa cần được nâng cấp, sửa chữa.
Từ đầu năm đến nay, Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh đã tham mưu và thực hiện cấp nguồn vốn 1,7 tỷ đồng để bảo trì cho 6 công trình tại các tuyến đường địa phương quản lý, trong đó kinh phí để sửa chữa mới các tuyến đường là 700 triệu đồng, còn lại là cấp bù cho các đơn vị đã thực hiện bảo trì công trình năm 2013. Đây là những tuyến đường qua khảo sát, được nhận định bị xuống cấp nghiêm trọng, lượng người tham gia lưu thông nhiều, cần sớm phải được duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo an toàn giao thông cho nhân dân.
Để tăng nguồn vốn cho Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh cũng như tăng số tuyến đường được sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo an toàn cho việc đi lại của nhân dân, Quỹ đã sớm giao kế hoạch thu phí sử dụng đường bộ năm 2014 cho UBND các huyện, thành phố, thị xã; thực hiện 1 tháng 2 lần gửi công văn thông báo tình hình thu phí và đôn đốc, nhắc nhở các địa phương, đơn vị thực hiện việc thu phí bảo trì đối với xe mô tô; đồng thời tuyên truyền việc thu, nộp phí sử dụng đường bộ tới người dân để nâng cao ý thức, giúp người dân hiểu rõ trách nhiệm và chấp hành nghiêm chỉnh việc khai, nộp phí sử dụng đường bộ theo quy định.
Đóng phí bảo trì đường bộ là quy định bắt buộc mà các tổ chức, cá nhân là công dân Việt Nam đều phải thực hiện. Để việc thu phí cũng như sử dụng nguồn vốn của quỹ đạt hiệu quả, thiết nghĩ rất cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng trong việc thực hiện các chế tài xử phạt; cần thiết có thể đưa công tác thu phí sử dụng đường bộ vào tiêu chí để đánh giá thi đua của các đơn vị, địa phương...
Kiều Ân