Tuy nhiên, ở một số dòng sông trong thành phố, hồ chứa gần khu dân cư, một số điểm trong khu công nghiệp có biểu hiện ô nhiễm nhẹ, cục bộ bởi lượng chất thải rắn lơ lửng và các chất hữu cơ, một số như Kim Sơn, Yên Khánh bị xâm nhập mặn. Với tài nguyên nước ngầm, chủ yếu được khai thác phục vụ cho mục đích sinh hoạt, với các loại hình như khai thác nước tập trung, hệ thống nước sạch nông thôn, khai thác đơn lẻ gồm những giếng khoan ở các nhà máy, xí nghiệp, hộ gia đình..., thường được khai thác ở tầng sâu, lưu lượng khai thác trung bình. Dưới tác động của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, tốc độ khai thác nguồn nước ngầm hiện nay diễn ra rất nhanh, dẫn đến nguy cơ bị cạn kiệt. Việc khoan giếng trong nhân dân trên địa bàn diễn ra đều tự phát, tràn lan, sử dụng nước lãng phí vào nhiều việc. Hoạt động khai thác này hầu như không có sự kiểm duyệt, không có giấy phép, khai thác quá mức hoặc quá thời hạn cho phép. Chính điều đó đã làm cho hiện tượng mực nước ngầm bị tụt, ô nhiễm, xâm nhập mặn, nguồn nước ngọt vì thế sẽ giảm nhanh, đất đai bị thoái hóa, thảm thực vật bề mặt bị tác động tiêu cực.
Nguyên nhân của thực trạng trên bắt nguồn từ nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của công tác quản lý tài nguyên nước còn hạn chế và thiếu ý thức tự giác chấp hành pháp luật về tài nguyên nước. Công tác quản lý tài nguyên nước mặt đối với các công trình thủy lợi còn chưa có hướng dẫn rõ ràng. Trước tình hình đó, Sở Tài nguyên - Môi trường đã mở nhiều lớp tập huấn về công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên nước cho cán bộ, công chức các cơ quan chuyên môn, các huyện, thành phố, thị xã; đồng thời phối hợp với các đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, tổ chức ký cam kết với các nhà máy, doanh nghiệp... và tập trung cao cho công tác tuyên truyền sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm, xử lý nguồn nước thải đảm bảo tiêu chuẩn; mở các chiến dịch truyền thông, nhằm tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng về tài nguyên nước, trách nhiệm bảo vệ nguồn tài nguyên vô giá này. Sở cũng thường xuyên tổ chức thẩm định, đánh giá tác động môi trường để có phương án bảo vệ môi trường nước kịp thời, hiệu quả.
Bên cạnh đó thực hiện cấp phép cho 15 đơn vị khai thác, sử dụng mặt nước, 4 đơn vị khai thác nước ngầm; kiểm tra 73 đơn vị, tổ chức hoạt động khai thác, sử dụng nước và xả thải vào nguồn nước trên địa bàn, trong đó có 47 công trình khai thác cấp nước sinh hoạt tập trung, 12 doanh nghiệp khai thác sử dụng nước ngầm, 3 doanh nghiệp khai thác sử dụng nước mặt, 11 doanh nghiệp có công trình xả nước thải vào nguồn nước. Nghiêm túc chấn chỉnh đối với các công trình hoạt động khai thác, sử dụng nước mặt, nước ngầm trên địa bàn xây dựng tràn lan, không có quy hoạch; đặc biệt là trên 90% các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung và các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã được xây dựng, đang hoạt động khai thác, sử dụng nước nhưng chưa có giấy phép theo quy định. Yêu cầu các đơn vị khai thác, sử dụng và xả nước thải vào nguồn nước thực hiện lắp đặt thiết bị theo dõi, kiểm tra, giám sát diễn biến lưu lượng, mực nước, chất lượng nguồn nước khai thác, chế độ quan trắc để phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các hiện tượng, sự cố bất thường do hoạt động khai thác, xả nước thải của mình gây ra; thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo kết quả hoạt động định kỳ hàng năm với cơ quan quản lý nhà nước...
Thanh Thủy