Theo số liệu của Sở Khoa học & Công nghệ, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 42 cơ sở hoạt động có sử dụng thiết bị bức xạ và nguồn phóng xạ, bao gồm 35 cơ sở y tế và 7 cơ sở thuộc lĩnh vực công nghiệp. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Sở Khoa học & Công nghệ đã tăng cường công tác quản lý và tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn đăng ký, khai báo lập hồ sơ; tổ chức thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động của các cơ sở; thanh, kiểm tra định kỳ các cơ sở có sử dụng thiết bị bức xạ và nguồn phóng xạ về các điều kiện đảm bảo an toàn và an ninh đối với các thiết bị bức xạ và nguồn phóng xạ, nhằm giúp các tổ chức, cá nhân chấp hành quy định của Luật Năng lượng nguyên tử, cũng như nâng cao nhận thức cho cộng đồng, tăng cường công tác đảm bảo an toàn bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh. Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình là một đơn vị sở hữu số lượng không nhỏ các nguồn phóng xạ (29 nguồn, bao gồm 23 nguồn phóng xạ Cs-137 và 6 nguồn Co-60), do vậy ngay từ khi đi vào hoạt động Công ty đã chú trọng đến công tác đảm bảo an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ. Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng An toàn môi trường Công ty cho biết: Mục đích sử dụng phóng xạ của chúng tôi là để đo lường, bao gồm đo mức và mật độ dòng hóa chất trên dây chuyền sản xuất. Đây là một trong những công nghệ mới nên ngay từ khi đầu tư Dự án, chúng tôi đã có liên hệ với Sở Khoa học & Công nghệ và Cục An toàn bức xạ hạt nhân, Bộ Khoa học & Công nghệ để được hướng dẫn làm thủ tục cấp phép. Các nguồn phóng xạ tại Công ty được bảo vệ rất nghiêm ngặt, công tác an toàn bức xạ được thực hiện bài bản theo hướng dẫn của pháp luật. Tất cả những người làm việc trong khu vực có nguồn phóng xạ đều được đào tạo về an toàn bức xạ, được cấp liều kế cá nhân, khu vực phóng xạ có liều kế phông và được đo kiểm định kỳ. Ngoài ra hàng năm, Công ty cũng đã xây dựng phương án và tổ chức diễn tập ứng phó, phòng ngừa các sự cố, trong đó có những yếu tố như quá liều, mất nguồn, rơi nguồn hoặc xảy ra sự cố cháy nổ tại nơi có nguồn phóng xạ.
Được biết, trong năm 2014, Sở Khoa học & Công nghệ đã chủ động phối hợp với Công an tỉnh, Sở Công thương, Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố, thị xã tiến hành 3 cuộc thanh tra an toàn bức xạ tại 21 cơ sở với 34 thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế. Trong năm, Sở cũng đã thẩm định và cấp giấy phép cho 12 đơn vị, bao gồm các bệnh viện và phòng khám đa khoa trên địa bàn tỉnh với 16 thiết bị X-quang chẩn đoán y tế. Bên cạnh đó, Sở còn phối hợp với Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân tổ chức 1 lớp tập huấn về an toàn bức xạ cho các nhân viên bức xạ của 27 cơ sở sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế và 2 cơ sở công nghiệp có sử dụng nguồn phóng xạ, qua đó cung cấp những kiến thức cần thiết, giúp các học viên nắm rõ các yêu cầu cơ bản trong quá trình tiếp xúc với nguồn bức xạ, thực hiện tốt các quy định của pháp luật về an toàn bức xạ. Đặc biệt, vừa qua, đơn vị đã tham mưu, đề xuất và được UBND tỉnh cho phép Công ty cổ phần thiết bị và môi trường PT chủ trì thực hiện đề tài: Đánh giá thực trạng an toàn bức xạ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2013-2014, đề xuất biện pháp ứng phó sự cố bức xạ trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của đề tài là hình thành phông bức xạ môi trường trên địa bàn tỉnh; xác định các khu vực có dị thường phóng xạ trên địa bàn, qua đó xây dựng phương án ứng phó sự cố bức xạ. Trên cơ sở kết quả của đề tài, Sở Khoa học & Công nghệ sẽ tham mưu cho UBND tỉnh giao cho Sở chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ cấp tỉnh trình Bộ Khoa học & Công nghệ phê duyệt. Khi kế hoạch ứng phó sự cố được duyệt, sẽ phân công trách nhiệm, công việc cụ thể cho các đơn vị liên quan tham gia ứng phó sự cố theo chức năng nhiệm vụ; xây dựng nguồn nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc chuẩn bị ứng phó sự cố phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Để làm tốt công tác quản lý Nhà nước về kiểm soát bức xạ hạt nhân trên địa bàn tỉnh, đồng thời hỗ trợ các đơn vị sử dụng các thiết bị bức xạ hạt nhân, trong thời gian tới, Sở Khoa học & Công nghệ tiếp tục tăng cường làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về pháp luật (như Luật Năng lượng nguyên tử và các văn bản liên quan đến các đơn vị sử dụng thiết bị bức xạ hạt nhân), nhằm giúp người dân nâng cao hiểu biết để tự bảo vệ trước nguy cơ bị nhiễm xạ. Tiếp tục tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, thẩm định hồ sơ xin cấp mới cũng như gia hạn các giấy phép sử dụng thiết bị X-quang cho các cơ sở y tế. Thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tăng cường công tác thanh, kiểm tra; xử lý nghiêm các vi phạm để đảm bảo tốt cho người vận hành, sử dụng các thiết bị nguồn phóng xạ. Đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý Nhà nước về an toàn bức xạ. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị chuyên ngành nhằm phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về an toàn bức xạ.
Bài, ảnh: Hà Phương- Anh Tuấn