Ngăn chặn nhiều hành vi gian lận thương mại
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 127 tỉnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp khó khăn do tác động của kinh tế thế giới và kinh tế trong nước, sức mua giảm, hàng hóa lưu chuyển chậm. Lợi dụng khó khăn của nền kinh tế và những sơ hở trong cơ chế, chính sách, một số đối tượng vẫn lén lút sản xuất, kinh doanh các loại hàng hóa giá rẻ, kém chất lượng. Chính vì thế, hàng lậu hàng giả, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm xuất hiện ngày càng nhiều với hình thức và mức độ ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Nhiều thương lái nước ngoài thông qua các thương nhân trong nước tổ chức thu mua các mặt hàng nông, thủy sản làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh gây thiệt hại cho người tiêu dùng và gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Hiện nay hàng giả, hàng kém chất lượng chủ yếu là các mặt hàng: Vật tư nông nghiệp, điện tử, điện dân dụng, sản phẩm may mặc như: vải, quần áo, giầy dép, mỹ phẩm…; thực phẩm (bánh kẹo, rượu, bia ngoại…), phụ gia thực phẩm giả nhãn hàng hóa (mì chính Ajinomoto, Miwon, gia vị thực phẩm);…. Đặc biệt một số đối tượng lợi dụng chính sách đưa hàng Việt về nông thôn để đưa hàng nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kém nhưng dán tem, nhãn sản xuất trong nước để dễ tiêu thụ, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước.
Trước tình trạng hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh diễn ra tương đối phức tạp, gây ra những thiệt hại nặng về kinh tế cho doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế người tiêu dùng, Ban chỉ đạo 127 tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thị trường, phối hợp phòng, chống buôn lậu, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả bình ổn thị trường… Năm 2013, các lực lượng chức năng đã kiểm tra trên 2.900 vụ việc, xử lý 996 vụ vi phạm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, khởi tố hình sự 5 vụ vi phạm về tội phạm vận chuyển hàng cấm. Tổng số tiền phạt, truy thu thuế và giá trị hàng tịch thu, tiêu hủy là trên 12 tỷ đồng.
Riêng lực lượng quản lý thị trường (cơ quan thường trực giúp việc cho Ban chỉ đạo 127) đã kiểm tra 1.804 vụ việc, xử lý 825 vụ vi phạm với 825 hành vi vi phạm, phạt tiền và tịch thu hàng hóa trị giá trên 3,4 tỷ đồng. Công an tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng thuộc đoàn liên ngành chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại của tỉnh tổ chức các đợt kiểm tra chấn chỉnh hoạt động kinh doanh trên các lĩnh vực thương mại, sở hữu trí tuệ, giá cả. Đồng thời chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, phối hợp với lực lượng chức năng, nhất là lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, bắt giữ các vụ vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm và hàng giả trên khâu lưu thông. Qua kiểm tra, kiểm soát, điều tra Công an tỉnh đã phát hiện 40 vụ vi phạm, xử lý khởi tố hình sự 5 vụ, 5 bị can về việc vận chuyển hàng cấm; tịch thu 108,03 kg pháo, 580 bao thuốc lá và 188 chai rượu ngoại nhập lậu, 215 kg động vật hoang dã quý hiếm…
Ngoài Chi cục quản lý thị trường và Công an tỉnh, trong năm qua các lực lượng liên ngành như Hải quan, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp & PTNT, Chi cục kiểm lâm, Cục Thuế tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở Tài chính, … cũng đã tiến hành kiểm tra phát hiện hàng nghìn vụ liên quan đến hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại, góp phần làm lành mạnh thị trường, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Tiếp tục phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng
Theo Ban chỉ đạo 127 tỉnh, công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1-7-2013 nhưng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như hướng dẫn, chế tài xử phạt ban hành chưa kịp thời đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Các cơ sở giám định chất lượng hàng hóa có đủ điều kiện hoạt động theo quy định còn quá ít, việc lấy mẫu để giám định chất lượng hàng hóa thường mất nhiều thời gian, chi phí cao gây khó khăn cho công tác xử lý (điển hình như mặt hàng xăng dầu từ lúc gửi mẫu đến lúc có kết quả thường mất từ 10-15 ngày; mặt hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm thì phải kiểm định nhiều chỉ tiêu, chi phí cao; trang thiết bị kiểm nghiệm và phương tiện kiểm tra nhanh về chất lượng và các chất cấm trong thực phẩm còn thiếu). Bên cạnh đó, biên chế lực lượng, kinh phí, phương tiện phục vụ công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại vẫn còn thiếu so với yêu cầu. Người tiêu dùng còn thiếu thông tin về hàng giả, hàng nhái, chất lượng hàng hóa...
Trong thời gian tới, dự báo hoạt động buôn lậu sẽ tiếp diễn với quy mô và mức độ cao, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại ngày càng phức tạp, tinh vi hơn và có chiều hướng gia tăng. Do đó, để công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đạt hiệu quả, các cấp ủy, chính quyền cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, vận động, phổ biến nhân dân thực hiện công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Tiếp tục đẩy mạnh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và vi phạm quyền sử hữu trí tuệ gắn với việc thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo 127 của tỉnh tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực quản lý của ngành, đồng thời theo dõi sát diễn biến phức tạp về cung cầu, giá cả đối với những mặt hàng thiết yếu như: Phân bón, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em… để có biện pháp ứng phó linh hoạt, kịp thời. Kết hợp công tác kiểm tra, xử lý vi phạm với tuyên truyền, vận động, phổ biến về ý thức chấp hành Luật Thương mại đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Hồng Giang