Tính đến hết quý I, tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh đạt 103 tỷ đồng với hơn 4.200 hộ được vay vốn. Doanh số thu nợ
đạt trên 81 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt trên 1.675 tỷ đồng, bằng 99% kế hoạch. Về chất lượng tín dụng: tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,43% tổng dư nợ, giảm 0,02% so với thời điểm 31-12-2014; nợ quá hạn tập trung vào các chương trình cho vay hộ nghèo, cho vay vùng khó khăn, cho vay giải quyết việc làm, cho vay xuất khẩu lao động và cho vay học sinh, sinh viên.
Theo lãnh đạo NHCSXH chi nhánh tỉnh Ninh Bình, nguyên nhân khiến cho tỷ lệ nợ quá hạn vẫn ở mức cao là do một số hộ vay sử dụng vốn không đúng mục đích. Lao động vay vốn đi xuất khẩu lao động phải về nước trước thời hạn, không thanh lý được hợp đồng. Một bộ phận người dân địa phương áp dụng quy mô sản xuất nhỏ lẻ, đầu tư sử dụng vốn vay đạt hiệu quả không cao. Nhiều gia đình nghề nghiệp không ổn định hoặc các trường hợp vay vốn không may gặp rủi ro trong cuộc sống như tai nạn, ốm đau, bệnh tật... nên khó khăn chưa trả được nợ. Ngoài ra, tỷ lệ nợ quá hạn cao một phần là do một số Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các địa phương hoạt động chưa hiệu quả, chưa chú trọng đến công tác sinh hoạt, cũng như đôn đốc tổ viên trả nợ vay ngân hàng, dẫn đến nguồn vốn vay ưu đãi chưa phát huy hiệu quả. Do năng lực quản lý, cũng như việc ít chú trọng đến công tác tuyên truyền của một bộ phận cán bộ của đơn vị, dẫn đến nhiều hộ gia đình vay vốn ưu đãi đã đến hạn nhưng bỏ đi khỏi địa phương mà đơn vị không phát hiện được. Còn một số trường hợp khác được vay vốn nhưng lại chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định.
Điển hình như huyện Nho Quan có tỷ lệ nợ quá hạn chiếm tới 0,95%, là đơn vị có tỷ lệ nợ quá hạn cao nhất hiện nay. Ngoài những nguyên nhân trên, huyện Nho Quan có tỷ lệ nợ quá hạn cao còn do có 18 hộ vay vốn với tổng số tiền trên 270 triệu đồng thuộc Tổ tiết kiệm và vay vốn của tổ trưởng Hoàng Thị Liên (Hội nông dân xã Văn Phong) đã sử dụng vốn vay không đúng mục đích. Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp như đôn đốc, vận động sự tham gia vào cuộc của các tổ chức, chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi được nợ. Tương tự thành phố Ninh Bình là một trong hai đơn vị có tỷ lệ nợ quá hạn cao nhất tỉnh. Tỷ lệ nợ quá hạn trên địa bàn này chiếm tới 0,84% tổng dư nợ. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay trên địa bàn có một số khoản vay khó đòi, chưa xử lý được như: Dự án vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, nguồn vốn do Đoàn thanh niên quản lý của DNTN Hùng Thùy (phường Nam Bình) với số tiền 450 triệu đồng chưa xử lý thu hồi được. Với khoản nợ này đã phải nhờ đến pháp luật và đã chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Ninh Bình nhưng vẫn chưa thu hồi được.
Năm 2015, với mục tiêu giảm nợ xấu xuống mức dưới 0,5% so với tổng dư nợ, hiện tại, NHCSXH tỉnh đã, đang tích cực triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp, triệt để thu hồi nợ. Theo bà Lã Thị Hồng Yến, Giám đốc NHCSXH tỉnh: Với tính chất ưu đãi của nguồn vốn chính sách, các chương trình vay vốn từ NHCSXH không yêu cầu thế chấp tài sản mà sử dụng hình thức tín chấp với lãi suất thấp, nên việc đôn đốc xử lý nợ quá hạn cần sự quan tâm của nhiều cơ quan, tổ chức để nguồn vốn được quay vòng đến với nhiều đối tượng chính sách hơn. Là đơn vị chuyên môn, NHCSXH tỉnh sẽ phân công trách nhiệm cho từng cán bộ bám sát cơ sở để động viên, nhắc nhở các tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn phải có trách nhiệm trong việc vận động tổ viên nộp lãi và gốc theo đúng quy định. Đồng thời, hỗ trợ, phối hợp với các đơn vị nhận ủy thác có những biện pháp tích cực, kiên quyết để thu hồi nợ quá hạn, đặc biệt ở những hộ vay có biểu hiện chây ỳ, những đơn vị có tỷ lệ nợ quá hạn cao như Nho Quan, Kim Sơn, thành phố Ninh Bình. Riêng những xã có tỷ lệ nợ quá hạn cao trên mức cho phép (từ 1% trở lên), NHCSXH tỉnh tham mưu cho UBND cấp xã thành lập tổ đôn đốc thu hồi nợ khó đòi. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của cấp trên về việc xử lý nợ quá hạn; rà soát, xử lý nợ của các hộ vay vốn bỏ đi khỏi nơi cư trú. Với những khoản nợ quá hạn do cho vay xuất khẩu lao động, NHCSXH phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức làm việc với công ty xuất khẩu lao động để đôn đốc làm thủ tục thanh lý hợp đồng với người lao động phải về nước trước thời hạn, làm cơ sở cho các hộ vay trả nợ ngân hàng.
Đại diện lãnh đạo Hội Phụ nữ tỉnh, đơn vị nhận ủy thác vốn ưu đãi cho biết: Để xử lý nợ quá hạn, Hội đã chỉ đạo các cấp hội, Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội quản lý kiểm tra, rà soát nắm bắt lại tình hình nợ quá hạn. Từ đó phân tích, đánh giá, xác định rõ nguyên nhân từng khoản nợ xấu, tháo gỡ khó khăn, thuyết phục, giải thích và có biện pháp xử lý phù hợp. Qua điều tra cho thấy, các khoản nợ quá hạn do Hội phụ nữ quản lý chủ yếu là nợ cho vay xuất khẩu lao động về trước thời hạn. Hội đã chỉ đạo kiên quyết xử lý các trường hợp nợ quá hạn, nợ chiếm dụng có khả năng trả nhưng cố tình chây ỳ, tạo tính nghiêm minh, giáo dục và răn đe các đối tượng khác, giúp bảo tồn và tăng trưởng nguồn vốn Nhà nước. Nếu thu khoản lớn không được, Hội vận động các khoản thu nhỏ, thu dần dần từ 100 nghìn đồng trở lên để chị em dễ trả nợ. Xem xét lại các tổ có nợ quá hạn cao, năng lực kém, hoạt động không hiệu quả để thay mới, củng cố cán bộ Tổ tiết kiệm và vay vốn. Cùng với biện pháp cụ thể đó, Hội cũng tích cực tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt hoạt động tín dụng chính sách xã hội; phối hợp chặt chẽ NHCSXH tỉnh, NHCSXH huyện, thành phố và chính quyền địa phương có biện pháp kiên quyết để thu hồi các khoản nợ sử dụng sai mục đích, xâm tiêu, chiếm dụng, quá hạn, chây ỳ...
Hồng Giang