Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội thì động vật hoang dã đang bị suy giảm đáng kể. Có nhiều loài đã bị tuyệt chủng; có những loài đang đứng trước nguy cơ "báo động đỏ" cần phải bảo vệ. Ninh Bình rất phong phú có đồi, núi, rừng, đồng bằng, vùng ven biển... Với địa hình như vậy nên Ninh Bình là một địa bàn có sự đa dạng sinh học cao; động vật hoang dã có nhiều loài, nhất là các loài chim.
Vùng đất lành của động vật hoang dã
Nằm ở phía Tây - Bắc của tỉnh là Vườn Quốc gia Cúc Phương có tổng diện tích 22.200 ha; thuộc địa giới hành chính của 3 tỉnh: Ninh Bình 11.350 ha, Hòa Bình 5.850 ha, Thanh Hóa 5.000 ha. Vườn Quốc gia Cúc Phương được chia làm 3 khu vực chức năng, gồm: Khu bảo vệ nguyên vẹn (20.715 ha); khu chuyên dụng (731 ha); vùng đệm (phần diện tích còn lại). Hiện tại, Vườn Quốc gia Cúc Phương vừa là điểm du lịch hấp dẫn du khách thập phương, vừa là nơi nghiên cứu khoa học và bảo tồn động vật lớn của cả nước. Các nhà khoa học đã thống kê được tại Vườn có 255 loài động vật có xương sống; nhóm động vật không xương sống ít được nghiên cứu nhưng cũng thu thập được 1.800 dạng côn trùng của 200 họ và 24 bộ. Trong nhóm động vật có xương sống gồm: 64 loài thú, 36 loài bò sát, 17 loài lưỡng thể, 1 loài cá và 137 loài chim. Có những loài động vật mới chỉ phát hiện lần đầu tiên ở Cúc Phương: Sóc bụng đỏ, cá niếc hang, trăn gấm, gấu ngựa, báo gấm, sơn dương, khỉ là những động vật gặp nhiều; vẹt phượng hoàng đất, gà lôi, vàng anh là những loài chim quý của Cúc Phương.
Ở phía Bắc huyện Gia Viễn là Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long có diện tích 736 ha; trong đó 3/4 là diện tích núi đá, 1/4 là vùng đất ngập nước quanh năm. Vân Long là vùng đất ngập nước nội đồng lớn nhất đồng bằng Bắc bộ thuộc địa hình hành chính của 7 xã của huyện Gia Viễn. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên đẹp, hoang sơ và hùng vĩ với nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị, là điểm tham quan du lịch của đông đảo du khách, nhất là khách quốc tế. Vân Long có hệ động, thực vật phong phú, với nhiều loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ của Việt Nam.
Ông Đỗ Văn Các, Giám đốc Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long cho biết: Các nhà khoa học đã điều tra, khảo sát tại khu đất ngập nước Vân Long có 457 loài thực vật bậc cao với 8 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam: Kiêng, lát hoa, tuế lá rộng, cốt toái bổ, sắng bách bộ, mã tiền, hoa tán... Động vật có 30 loài, 19 họ, 7 bộ; có 12 loài động vật quý hiếm như: Voọc quần đùi trắng, chiếm số lượng lớn nhất Việt Nam; gấu ngựa; sơn dương; cu ly lớn, cầy vằn, báo gấm, khỉ mặt đỏ; báo hoa mai... Trong các loài động vật có 9 loài bò sát được ghi trong sách đỏ Việt Nam: Rắn hổ chúa, kỳ đà hoa, trăn đất, rắn ráo trâu, tắc kè, rắn ráo thường, rắn sọc màu đỏ, rắn cạp nong, rắn hổ mang... Vân Long cũng có khả năng hình thành một vườn chim: Nơi đây có 72 loài của 33 họ và 14 bộ chim và luôn có khoảng 250 con cò bợ, cò ruồi, cò trắng thường xuyên sinh sống kiếm ăn ở bãi sình lầy và ruộng lúa. Vùng đất này là nơi cư trú lý tưởng của nhiều loài chim trên cạn, dưới nước; là nơi trú ngụ qua đông của các loài chim di cư. Đặc biệt, vùng đất ngập nước còn tồn tại nhiều loài cà cuống thuộc họ chân bơi được ghi trong sách đỏ Việt Nam.
Thung Nham (Ninh Hải - Hoa Lư) nằm ở phía Tây của tỉnh. Vùng này được bao bọc bằng bức tường núi đá, nơi đây còn mang đậm nét hoang sơ, hoang dã bởi rừng và núi đá nguyên sinh (từ đỉnh tới chân núi), cây cối mọc tốt um tùm, tầng tầng, lớp lớp; là nơi cư trú lý tưởng của nhiều động vật hoang dã, quý hiếm. Theo người dân kể lại, trước đây chỉ có những người bạo gan mới dám vào khu vực này cắt cỏ, kiếm củi. Hiện tại vùng đất này đã được giao cho Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Doanh Sinh xây dựng thành khu du lịch sinh thái.
Ông Phạm Quốc Sử, cán bộ quản lý khu du lịch cho biết: Nơi đây ngoài rừng núi đá còn nguyên sinh còn là nơi trú ngụ và sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã. Chưa có điều tra, khảo sát cụ thể về động, thực vật ở vùng này nhưng ở đây có đàn khỉ đông tới vài trăm con, đặc biệt cứ chiều về đàn chim, cò với hàng trăm con lại về đây trú ngụ qua đêm tạo thành một vườn chim. Bước đầu nhận thấy có 6-7 loài chim về đây trú ngụ và đông nhất vẫn là cò, vạc, có cả hạc và đại bàng đất.
Vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn (ngoài đê Bình Minh II) có diện tích trên 4.000 ha, chạy dài 14 km và được hình thành bởi lượng phù sa của sông Càn và sông Đáy. Đây cũng là vùng đất có hệ động, thực vật khá phong phú và mang đặc trưng của vùng đất ngập mặn.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ cho biết: Bước đầu điều tra, khảo sát ở khu vực này cho thấy, về thực vật có 3 loài cây trồng chiếm diện tích lớn là vẹt, cói, sậy; ngoài ra còn có ôrô, cóc kèn, các loài tảo... Các loại động vật có: Tôm rảo, tôm moi, tôm rui, tôm càng, ngao, vọp, sò huyết và các loài cá. Nơi đây cũng là vùng đất cư trú cho chim di cư qua đông: Ngỗng trời, vịt trời, cò trắng, vạc, le le, mòng, két...
Ninh Bình là tỉnh nằm trong vùng nhiệt đới ẩm, gió mùa; địa hình đa dạng, đất đai phì nhiêu. Với đặc điểm khí hậu, địa hình như vậy nên tỉnh có hệ động, thực vật hoang dã khá đa dạng và phong phú. Mặc dù có sự biến động về động, thực vật hoang dã, có sự ảnh hưởng của các điều kiện tự nhiên và xã hội... nhưng trên địa bàn tỉnh đã và vẫn đang tồn tại những vùng đất lành là nơi trú ngụ, sinh sống lý tưởng của các động vật hoang dã, nhất là các loài chim.
Nhiều loài động vật hoang dã mất đi và suy giảm...
Ở Ninh Bình, ngoài các yếu tố tự nhiên bất lợi tác động thì sự phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động của con người cũng đã ảnh hưởng lớn đến môi trường sống, nguồn thức ăn, sự tồn tại và phát triển của động vật hoang dã.
Theo kiểm tra, thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trên địa bàn tỉnh ta hiện có khoảng 20 cơ sở kinh doanh, chế biến các sản phẩm từ chim hoang dã. Tuy các ngành chức năng cũng như địa phương đã có nhiều buổi làm việc, kiểm tra, xử phạt đối với các cơ sở này, các cơ sở cũng đã cam kết không vi phạm, nhưng thực tế hoạt động này vẫn diễn ra một cách lén lút. Không trưng biển hiệu, thực đơn không có tên các món đặc sản nhưng bất cứ "thượng đế" nào vào các cửa hàng này thì những món đặc sản như: Chim sẻ, chim cuốc, thịt nhím, thịt rắn, ba ba, hươu, hoẵng… vẫn luôn sẵn sàng phục vụ.
Việc bẫy, bắt chim vẫn diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Tại những khu bảo tồn, vườn quốc gia, tình trạng săn bắn có hạn chế hơn. Ông Mai Văn Quyền, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long cho biết: Chim thú tại các khu bảo tồn, rừng quốc gia, khu du lịch sinh thái, được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Không có tình trạng thợ săn ngang nhiên vào săn bắn chim thú. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, địa hình phức tạp nên có thể còn hiện tượng lén lút săn bắn trộm vào ban đêm. Trong thời gian qua, Ban quản lý khu bảo tồn đã tiến hành nhiều buổi tuyên truyền, tập huấn, hội thi nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, từ đó việc bảo vệ động vật hoang dã đi vào tiềm thức của người dân. Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ năm 2006 đến nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã nào trong khu bảo tồn, rừng quốc gia, khu du lịch đã được khoanh nuôi, bảo vệ.
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh: Năm 2008, trên địa bàn tỉnh có 15 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã với tổng trọng lượng là 1.444,8 kg của 1.531 cá thể gồm rắn, tắc kè, kỳ đà, cầy, nhím… và gần 660 con chim các loại. 3 tháng đầu năm 2009, đã bắt 7 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã với trọng lượng là 263,8 kg gồm rắn, tê tê, kỳ đà... Nhìn chung, trong những năm gần đây, số vụ buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã đã giảm về số vụ và quy mô, nhưng tính chất lại tinh vi và phức tạp hơn.
Để Ninh Bình mãi là miền đất lành
Trên thực tế nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân về bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ động vật hoang dã chưa đầy đủ, thậm chí còn bị coi nhẹ. Đa số người dân không hiểu hết những tác hại của việc mình đã làm, họ cho rằng đó là lẽ tự nhiên. Anh Ngô Văn M, xã Yên Sơn, thị xã Tam Điệp cho rằng: từ xưa nay cha ông ta vẫn săn bắn thú rừng làm thức ăn đó thôi. Bây giờ bắn một vài con chim thì ảnh hưởng gì? Do vậy việc làm cần thiết hiện nay là phải tăng cường công tác tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa để nhân dân thấy được những việc làm của họ ảnh hưởng xấu như thế nào đến môi trường. Đối với các đối tượng làm nghề săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã để kiếm sống và một số dân đi săn để tiêu khiển, giải trí thì cần phải trực tiếp gặp gỡ, tuyên truyền vận động và giúp đỡ họ từ bỏ, chuyển nghề khác. Tuyên truyền, giải thích cho các chủ trang trại gây nuôi động vật hoang dã, chủ nhà hàng chế biến kinh doanh động vật, không gây nuôi hay sử dụng những cá thể động vật hoang dã hoặc sản phẩm của chúng mà không có nguồn gốc hợp pháp.
Đồng chí Đặng Xuân Tài, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm cho rằng: vai trò của UBND các xã, phường trong việc tuyên truyền, vận động, kiểm soát, ngăn chặn hoạt động săn bắn động vật hoang dã là rất quan trọng, vì đó là cơ quan gần dân nhất, nắm rõ nhất mọi hoạt động của nhân dân. Trồng rừng ,bảo vệ rừng, trồng cây xanh, bảo vệ cây xanh là những vấn đề cần được đề cao và coi trọng. Rừng và cây xanh không chỉ có tác dụng điều hòa không khí , bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động xấu của thiên nhiên mà nó còn là nguồn thức ăn, môi trường sống, ngôi nhà ở cho các loài động vật hoang dã trú ngụ và sinh sống.
Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách, chủ trương nhằm bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã, UBND tỉnh Ninh Bình cũng tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai có hiệu quả các chủ trương này, đồng thời khoanh vùng một số khu vực cấm săn bắn động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh. Từ đó hệ sinh thái rừng được bảo vệ và không ngừng phát triển. Nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Ninh Bình như: Vườn Quốc gia Cúc Phương, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, khu rừng văn hóa lịch sử môi trường Hoa Lư, vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn đã trở thành nơi cư trú, di trú của nhiều loài động vật quý hiếm.
Ông Trương Quang Bích, giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương cho biết: Với môi trường tốt như ở Cúc Phương, các loài đều sinh trưởng, phát triển thuận lợi và đặc biệt chúng được bảo vệ an toàn. Rất nhiều động vật hoang dã đã được chúng tôi cứu hộ, chăm sóc và bảo tồn ở đây. Nhiều động vật hoang dã do lực lượng chức năng bắt giữ được, sau khi đã được cứu hộ lại được thả vào rừng.
Lâu nay nhiều người vẫn nghĩ rằng: bảo vệ động vật hoang dã là chức năng nhiệm vụ của lượng kiểm lâm. Nhưng thực tế cho thấy, chỉ riêng lực lượng này thôi sẽ không đủ để đảm bảo cho động vật hoang dã tồn tại và phát triển. Do vậy sự cần thiết phải có sự vào cuộc của cả cộng đồng và đó là trách nhiệm không của riêng ai, trong đó có vai trò quan trọng của cấp ủy Đảng chính quyền xã, thôn, bản, nhất là việc tuyên truyền ngăn chặn việc săn bắn, bẫy bả động vật hoang dã trên địa bàn cũng như tạo môi trường xanh, sạch cho chim, thú trú ngụ, sinh sống.
Đinh Chúc - Nguyễn Lựu