Là loại cây với nhiều ưu điểm: dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, sạch sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp, hợp với mọi chân đất, khả năng chịu hạn tốt, nhất là đất đồi vệ cao, do vậy, từ xa xưa, nhiều người dân thành phố Tam Điệp đã lựa chọn loại cây này để phát triển kinh tế gia đình.
Sản phẩm sắn dây Tam Điệp vốn rất có tiếng trên thị trường bởi giống sắn được trồng ở đây là hoàn toàn giống sắn ta, ít sử dụng phân hóa học, người nông dân dùng bã mùn hữu cơ để bón là chính, nên củ sắn rất nhiều bột và thơm. Thông qua các công đoạn chế biến tỷ mỉ dưới đôi bàn tay của những người làm tinh bột sắn chuyên nghiệp đã tạo nên một sản phẩm tinh bột sắn dây hảo hạng, chất lượng hơn hẳn so với loại bột sắn dây ở vùng khác.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Đinh Văn Diễn, tổ 15 phường Bắc Sơn, một trong những hộ có kinh nghiệm hơn 20 năm trồng và chế biến tinh bột sắn dây. Thời điểm này là lúc ông Diễn bận rộn nhất bởi hơn 2 ha sắn dây của gia đình cần phải thu hoạch củ, xay, rửa, chế biến…
Ông Diễn chia sẻ: Trồng sắn dây và làm tinh bột sắn là một công việc hết sức vất vả nhất là vào thời điểm thu hoạch bởi các công đoạn từ thu hoạch củ đến chế biến tinh bột đa phần đều phải làm thủ công. Sắn ta có đặc điểm là củ ăn sâu nhất là khi trồng ở các vùng đất đồi, thiếu nước nên khi thu hoạch phải đào rất sâu, việc này không thể dùng máy múc được vì sẽ làm đứt củ. Lấy được củ đã khó việc chế biến tinh bột sắn cũng không giản đơn chút nào.
Nếu muốn có chất lượng bột tốt, thơm, ngon, sạch, mịn thì phải làm theo quy trình thật nghiêm túc. Củ sắn tươi mang về, ngâm và rửa thật sạch rồi cho vào máy nghiền thật kỹ. Sau đó dùng vải màn vắt lấy nước, bã được vắt 3 lần để lấy hết tinh bột dính vào bã sắn, nước vắt ra từ bã sắn được đưa vào bể ngâm và lóng liên tục trong vòng 4-5 ngày đêm. "Để có được bột sắn dây chất lượng quan trọng nhất là lúc lọc tách tạp chất, nếu không biết tách, để "ba chỉ" bột nghĩa là phần bột màu sậm hơn lẫn vào thì bột sẽ không thể thơm và ngon được", ông Diễn cho biết.
Cũng theo ông Diễn, để phân biệt bột sắn dây tốt, nguyên chất hay không thì phải dựa vào các đặc điểm sau: Bột sắn dây thật là loại bột hạt to, sắc cạnh, có màu trắng tinh khiết, có hương thơm tự nhiên đặc trưng của bột sắn dây.
Bên cạnh đó, khi đưa lên miệng cắn, bột sắn dây thật có vị giòn tan, tan nhanh trong miệng và cảm nhận được sự mềm mịn nơi đầu lưỡi. Ngược lại, nếu là bột sắn dây chất lượng kém thì viên bột không sắc cạnh, hạt nhỏ. Khi quan sát không có màu trắng tự nhiên, thường không có mùi thơm, khi cắn thử thấy viên bột mềm.
Trồng sắn dây cho thu nhập khá cao và ổn định, bình quân mỗi sào sắn dây cho từ 4 đến 5 tạ củ, mỗi tạ sắn tươi có giá bán từ 90-100 nghìn đồng. Còn khi chế biến 1 tạ củ có thể cho ra từ 20-22 kg tinh bột, với giá bán hiện tại là 100-120 nghìn đồng/1kg, như vậy 1 ha sắn dây thu về trên dưới 150 triệu đồng.
Tuy nhiên theo những người trồng sắn dây ở Tam Điệp thì số người làm sắn dây đã giảm bởi làm nghề này khá vất vả trong khi lao động nông nghiệp không còn nhiều. Những nơi còn trồng sắn dây nhiều chỉ còn lại xã Yên Sơn, xã Đông Sơn, riêng khu Địa Chất thuộc phường Trung Sơn, nơi có truyền thống và kinh nghiệm trồng sắn dây lâu đời nhất ở Tam Điệp thì nay còn rất ít người làm sắn dây.
Hiện, diện tích cây sắn dây ở Tam Điệp có bao nhiêu ha thì cũng khó biết được chắc chắn, vì cây sắn dây thật sự chưa được các cấp chính quyền địa phương đưa vào chỉ tiêu kế hoạch sản xuất hàng năm và cho nó là cây trồng tự phát do nhu cầu xã hội.
Thiết nghĩ cây sắn dây về lâu về dài vẫn sẽ là cây lợi thế của vùng đất đồi núi Tam Điệp, đặc biệt khi xu thế sử dụng các cây cỏ tự nhiên làm thuốc đang ngày càng phát triển. Do vậy, rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, ngành chuyên môn trong việc quy hoạch, định hướng các vùng trồng sắn dây tập trung, quy mô hàng hóa gắn với việc thu mua và chế biến thành chuỗi giá trị khép kín để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, hơn thế nữa là để giữ gìn và phát huy thương hiệu sản phẩm bột sắn dây Tam Điệp vốn sẵn có "tiếng thơm" trên thị trường.
Hà Phương