Ghi nhận tại Công ty TNHH MCNEX Vina, công tác phòng, chống dịch bệnh ở đây được triển khai rất chặt chẽ và nghiêm túc. Ngay tại cổng bảo vệ khi khách đến liên hệ công tác đã được kiểm soát khai báo y tế, đo thân nhiệt, sát khuẩn và đeo khẩu trang. Các băng zôn, khẩu hiệu về quy trình, biện pháp phòng chống dịch được treo tại nhà máy để cán bộ, công nhân toàn nhà máy nâng cao ý thức phòng dịch COVID-19.
Chị Doãn Thị Giang, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Công ty TNHH MCNEX Vina có trên 7.000 cán bộ, công nhân nên việc phòng, chống dịch đều được kiểm soát chặt chẽ, đồng bộ theo hệ thống. Để tái khởi động lại các biện pháp phòng, chống dịch, Công đoàn đã yêu cầu Công ty hỗ trợ kinh phí để tăng cường công tác phòng chống dịch như mua thêm máy đo thân nhiệt, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang, xà phòng... Đối với người lao động, mỗi khi vào ca đều được đo thân nhiệt và sát khuẩn bằng cồn và yêu cầu đeo khẩu trang trong suốt quá trình sản xuất và đi lại giữa các khu vực. Công ty cung cấp đầy đủ nước uống, xà phòng tại các nơi công cộng.
Ngoài ra, Công ty đã tiến hành phun khử trùng bằng Cloramin B toàn bộ nhà máy. Vệ sinh, khử trùng các khu vực tập trung đông người và khu sản xuất ngày 2 lần để đảm bảo môi trường an toàn cho người lao động. Để hạn chế tiếp xúc, tất cả các quy trình báo cáo, điều hành đều được liên hệ qua email hoặc điện thoại, bộ đàm.
Không chỉ tại các doanh nghiệp, các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh cũng đang siết chặt hơn các biện pháp phòng, chống dịch. Đại diện khu công nghiệp Phúc Sơn, thành phố Ninh Bình cho biết: Hiện khu công nghiệp Phúc Sơn có 9 doanh nghiệp, trong đó có 6 doanh nghiệp FDI với với hơn 13.000 lao động. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý dự án khu công nghiệp Phúc Sơn đã tiến hành các quy trình kiểm soát số lượng người ra vào trong khu công nghiệp nghiêm ngặt ngay từ khâu tiếp đón như đo thân nhiệt, yêu cầu sát khuẩn và đăng ký giờ ra, vào để lập hồ sơ theo dõi nếu có sự cố xảy ra. Đồng thời phối hợp với cơ quan y tế ở địa phương để phun khử khuẩn toàn bộ khu công nghiệp.
Song song với đó, yêu cầu các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chủ động tuyên truyền cho người lao động bằng nhiều hình thức phù hợp với điều kiện tại doanh nghiệp như dán áp phích, thông tin, tuyên truyền trên bản tin; phát tờ rơi; tuyên truyền bằng loa... nâng cao nhận thức và hiểu biết của người lao động trong các doanh nghiệp về nguy cơ, đường lây nhiễm, cách phát hiện sớm, cách phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Hiện nay, toàn tỉnh có 40.242 lao động là người Việt Nam và 345 lao động là người nước ngoài làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Để làm tốt công tác phòng chống dịch trong các khu công nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp yêu cầu các Chủ doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tập trung, khẩn trương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và Ban Quản lý các khu công nghiệp với tinh thần chống dịch ở mức độ cảnh giác cao nhất, không được chủ quan; chuẩn bị sẵn sàng để kịp thời xử lý các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Rà soát, siết chặt việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp.
Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Yêu cầu người lao động đến/đi/về từ tỉnh vùng dịch phải chủ động khai báo với cơ quan y tế, chính quyền địa phương, đồng thời khai báo qua các ứng dụng NCOVI, BLUEZONE. Khuyến cáo người lao động không nên đến các ổ dịch, địa phương có ca bệnh xác định với COVID-19. Vận động người lao động khai báo, tố giác các trường hợp nhập cảnh trái phép, người đi/về từ vùng dịch để được cách ly, giám sát, quản lý phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Đồng thời, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn, khuyến nghị của ngành y tế như thực hiện tốt thông điệp 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế.
Các doanh nghiệp tiếp tục tăng cường công tác quản lý lao động để đảm bảo thực hiện tốt việc theo dõi, giám sát y tế tại nơi cư trú, nơi làm việc theo quy định đối với chuyên gia, nhà quản lý, lao động nước ngoài sau khi hết thời gian cách ly tập trung. Đồng thời yêu cầu chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh nếu không triển khai hoặc thực hiện không nghiêm túc công tác phòng, chống dịch, để xảy ra lây nhiễm dịch COVID-19 trong doanh nghiệp.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm