Nếu như những năm trước đây để đến được với xứ đạo Kim Trung phải đi qua những con đường "chao lên ngụp xuống" thì bây giờ đường giao thông nông thôn đã được kiên cố hóa mà trong đó có sự đóng góp rất tích cực của bà con giáo dân nơi đây. Sau những đồng cói xanh tươi, bát ngát đang lấn dần ra biển thấp thoáng hình ảnh của một xứ đạo trong dịp xuân về. Hai bên đường đi xen lẫn những cánh đồng cói là những đầm cua, đầm tôm đang mọc lên san sát. Tôi dừng lại ở Nhà thờ xứ với diện tích 8.000 m2 đang trong quá trình hoàn thiện. Không có bề dày lịch sử và kiến trúc độc đáo như Nhà thờ đá Phát Diệm nhưng Nhà thờ xứ Kim Trung, quy mô rộng lớn đã làm nên một điểm nhấn quan trọng. Khi được hoàn thiện đây sẽ là nhà thờ xứ vừa mang kiến trúc cổ điển vừa mang màu sắc hiện đại.
Người Công giáo ở đây là người "tứ xứ" với những nét văn hóa, những phong tục tập quán khác nhau nhưng họ đều chung một mục đích khai hoang lấn biển, khơi dậy những tiềm năng của vùng bãi bồi trù phú. Xứ Kim Trung hiện có hơn 4.000 giáo dân với 3 họ chính là họ Kim Đông, Kim Hải và Kim Trung. Trong 3 họ, Kim Trung được chọn là tên xứ cũng như là nơi đặt Nhà thờ xứ vì đây là vùng đất cao nhất, trung tâm nhất, là nơi đoàn kết giáo dân ở khắp nơi về một mối, Tiếng chuông nhà thờ ngân nga như đưa chúng tôi trở về với lịch sử cách đây hơn một chục năm của xứ đạo này, thuở mà trai thì da trần tắm gió biển, đêm ngày đào đất be bờ, gái thì trồng cói, dạy con…
Ngày ấy, nơi đây chỉ là một vùng hoang vắng chỉ có cỏ dại và sóng vỗ bốn bề nhưng có "sức người sỏi đá cũng thành cơm".Trải qua thời gian bà con giáo dân nơi đây không những đủ ăn đủ mặc, vượt qua những thách thức của thiên nhiên mà đã năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để vươn lên làm giàu.
Trong sắc thắm của đào, quất, chúng tôi nhận ra những ngôi nhà khang trang, bề thế, giữa khung cảnh làng quê ấm áp thanh bình. Là một trong những người đầu tiên đến an cư trên mảnh đất đầy nắng và gió này, anh Trần Xuân Thanh (giáo dân họ Kim Trung) bồi hồi xúc động khi nhớ về một thuở hăm hở, nhiệt huyết đi khai hoang lấn biển. Biết bao nhiêu giọt mồ hôi đã đổ xuống để cho đồng có, cho bãi đầm tôm, cua được trù phú như ngày nay. Ngoài ra, gia đình anh Thanh còn nuôi một đàn lợn gần 30 con, tổng thu nhập từ mô hình kinh tế của gia đình anh mỗi năm gần 100 triệu đồng.
Trong niềm vui của những ngày Tết đến, xuân về anh tâm sự với chúng tôi những dự tính cho tương lai, những khát khao của một người đi làm kinh tế mới. Anh cũng cho biết, trong xứ Kim Trung còn rất nhiều những gia đình giáo dân sản xuất, kinh doanh giỏi cho thu nhập cao như gia đình anh. Lúc chia tay, anh nói với chúng tôi như thể nhắn nhủ: Vùng quê này sẽ có nhiều người tới lập nghiệp trong thời gian tới bởi sức hút đầy tiềm năng của nó…
Đi trên những con đường đã được bê tông hóa uốn lượn theo những cánh đồng cói xanh ngút tầm mắt, chúng tôi thấy thấp thoáng nhiều nhà mái ngói, mái bằng mới xây mọc lên 2 bên đường - một minh chứng sinh động cho nhịp sống mới nơi xứ đạo này. Mỗi người dân Công giáo nơi đây đều nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong thực hiện và chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phấn đấu đạt danh hiệu gia đình Công giáo tiêu biểu, chấp hành tốt các nghĩa vụ đối với Nhà nước, tích cực đóng góp kinh phí, ngày công xây dựng các công trình công cộng. Nơi đây nhiều công trình phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân đã được xây dựng với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" như bê tông hóa đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học, xây mới và đưa vào sử dụng 2/6 nhà văn hóa thôn.
Hoạt động tự do tín ngưỡng, tôn giáo được cấp ủy, chính quyền quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật. Hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", bà con giáo dân đã tham gia nhiều phong trào thi đua như "Xây dựng xứ họ đạo tiên tiến", "Xây dựng gia đình Công giáo kiểu mẫu". Đến nay, toàn xứ có 80% gia đình Công giáo kiểu mẫu, 3/3 xứ họ đạo được công nhận là xứ họ đạo tiên tiến, 100% hộ gia đình được dùng nước sạch và có điện thắp sáng. Sự đổi thay trong đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã làm cho bộ mặt nông thôn có những khởi sắc, mang theo hơi thở của một nhịp sống mới năng động.
Rời Kim Trung trong không gian của buổi chiều tà với tiếng chuông nhà thờ ngân vang, chúng tôi cảm nhận được sự đầm ấm, một bầu không khí đoàn kết, thân ái của một vùng Công giáo khi Tết đến, Xuân về.
Quỳnh Thu