Với 17.359 ha đất lâm nghiệp, trong đó có trên 2.800 ha rừng sản xuất, những năm qua, huyện Nho Quan đã xác định trồng rừng sản xuất là hướng xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, đồng thời mở ra hướng đầu tư mới về du lịch sinh thái, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.
Dưới tiết trời xuân, những cánh rừng của huyện Nho Quan đang trỗi dậy đầy sức sống, những đồi keo, đồi thông lên xanh tốt nhờ bàn tay con người. Đi một vòng quanh xã Thạch Bình, một trong những địa phương có diện tích rừng sản xuất cao nhất huyện Nho Quan, thấp thoáng giữa tán rừng xanh là những ngôi nhà hai, ba tầng khang trang mới được xây dựng.
Theo lời giới thiệu của lãnh đạo xã, chúng tôi đến thôn Bãi Lóng thăm mô hình kinh tế rừng của gia đình ông Trần Văn Bình. Tiếp chúng tôi trong căn nhà đầy đủ tiện nghi, ông Bình phấn khởi tâm sự: "Gia đình tôi đổi đời là từ rừng, tiền làm nhà, tiền mua ô tô cũng nhờ rừng cả đấy". Trước đây, gia đình ông Bình thuộc diện hộ nghèo trong thôn, dù bươn trải nhiều nghề nhưng hoàn cảnh vẫn khó khăn. Năm 1994, gia đình ông bắt đầu nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng theo Chương trình 237. Cơ hội thực sự đến với ông khi Nhà nước có chủ trương chuyển một phần rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất, trong khi nhiều người vẫn thờ ơ, sợ không có tiền trả thuế đất thì ông đã mạnh dạn nhận gần 8ha đất rừng. Được giao đất, giao rừng, không quản khó nhọc, ngày ngày vợ chồng ông tay dao, tay cuốc lên đồi cải tạo đất trồng keo. Ngoài ra, ông còn tận dụng tán rừng thưa để chăn nuôi trâu bò, nuôi ong lấy mật, nuôi lợn rừng… theo phương châm "lấy ngắn nuôi dài". Với diện tích nhận trồng từ năm 1994 và rừng trồng mới, hiện nay, hơn 8 ha rừng của ông đều đã cho khai thác, nhiều đồi keo đã khai thác đến chu kỳ thứ 2 (mỗi chu kỳ khai thác là 5 năm). Với sản lượng đạt từ 200 đến 250 m3/ha, giá thành khoảng 700 đồng/1m3 thì 1 ha rừng trồng cho thu nhập tới gần 150 triệu đồng. Không chỉ trồng rừng và phát triển chăn nuôi, từ năm 2011, ông còn đầu tư mua xe ô tô tải vận chuyển lâm sản và ô tô khách phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong xã. Từ kinh tế đồi rừng và làm dịch vụ, mỗi năm gia đình ông có thu nhập trên 200 triệu đồng.
Rời nhà ông Bình, chúng tôi đến thăm gia đình ông Trần Hữu Chức, một điển hình phát triển kinh tế rừng của xã. Bên chén trà đầu xuân mới, ông hồ hởi chia sẻ: "Điều kiện khí hậu, chất đất Thạch Bình rất thuận lợi để phát triển rừng sản xuất, nhất là trồng cây keo. Trồng cây keo chi phí thấp, quay vòng nhanh, bởi lẽ không cần đợi hết 1 chu kỳ mà từ năm thứ 2 trở đi bắt đầu chặt thưa, tỉa cành bán gỗ theo cân cũng cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng/ha/năm". Cùng với nhận trồng 5,8 ha rừng keo, gia đình ông còn tận dụng tán rừng nuôi hơn 200 gà thả vườn và 20 đàn ong mật, cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Sau hơn 10 năm gắn bó với kinh tế rừng, gia đình ông đã thoát nghèo, vươn lên khá giả, cả 5 người con đều tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học.
Những hộ gia đình vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ trồng rừng như gia đình ông Bình, ông Chức không còn là hiếm ở xã vùng cao Thạch Bình. Đồng chí Đinh Ngọc Nhiên, Phó Chủ tịch UBND xã cho chúng tôi biết: Thạch Bình là xã bán sơn địa, đất nông nghiệp ít, phần lớn chỉ cấy được 1 vụ, do đó phát triển kinh tế đồi rừng được coi là giải pháp quan trọng giúp xóa đói, giảm nghèo. Trước đây, gần 1.000 ha rừng của xã chủ yếu là rừng phòng hộ và một số cây bụi giá trị kinh tế không cao, người dân dù đã được giao khoanh nuôi, bảo vệ nhưng tình trạng chặt phá rừng vẫn diễn ra, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo của xã thuộc diện cao nhất huyện. Thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện, từ năm 2006 đến nay, xã đã chuyển đổi 550 ha rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất với 172 hộ tham gia trồng rừng, người dân được hưởng 100% sản phẩm gỗ thu hoạch, chỉ phải đóng cho xã 80 kg thóc/ha trên một chu kỳ khai thác sản phẩm. Có lẽ vì vậy mà chưa bao giờ ý thức của người dân trong việc bảo vệ và trồng rừng lại được nâng cao như hiện nay. Khai thác đến đâu, người dân chuẩn bị trồng lại ngay đến đó. Từ trồng rừng sản xuất, mấy năm trở lại đây bộ mặt nông thôn của Thạch Bình đang thay da đổi thịt từng ngày, đời sống người dân ngày càng khấm khá, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, chỉ còn dưới 15% so với 46,24% cách đây 5 năm.
Đồng chí Bùi Thị Quế, Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết, là địa phương giàu tiềm năng với 17.359 ha rừng, bao gồm cả rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Thực hiện Quyết định của UBND tỉnh, từ năm 2006 Nho Quan đã chuyển đổi 2.856 ha rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất nhằm phát huy mọi nguồn lực đầu tư cho nghề rừng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo việc làm, cải thiện đời sống cho các hộ trồng rừng, giảm thiểu tác động đến các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Huyện đã chỉ đạo Ban quản lý rừng phối hợp với các xã thực hiện tốt chính sách giao đất, giao rừng tới từng hộ dân, đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người nông dân vay vốn, mua cây giống, chuyển giao tiến bộ KHKT.
Bên cạnh đó, tận dụng tán rừng, nhiều địa phương còn khuyến khích các hộ dân phát triển nuôi gà thả vườn, nuôi dê, nuôi lợn rừng, nuôi ong lấy mật… cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều chủ vườn rừng đã chú trọng áp dụng KHKT, cơ giới hóa quá trình sản xuất, hình thành những mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng và giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho lao động tại địa phương. Song song với việc chuyển đổi rừng sản xuất, huyện còn quan tâm quy hoạch phát triển các cơ sở chế biến lâm sản nhằm tiêu thụ sản phẩm cho người trồng rừng và tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao.
Hiện nay, toàn huyện có trên 100 cơ sở chế biến gỗ vừa và nhỏ, với các sản phẩm chủ yếu như: gỗ nguyên liệu, ván ép, gỗ bao bì…, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương. Kinh tế đồi rừng tại Nho Quan đã, đang trở thành hướng đi tích cực trong công tác giảm nghèo cho người dân, nhất là tại những địa bàn khó khăn. Huyện đang tiếp tục khảo sát, chuyển đổi những diện tích rừng ít xung yếusang trồng rừng sản xuất, đồng thời tập trung chăm sóc, bảo vệ rừng hiện có, đẩy mạnh trồng rừng sau khai thác, từng bước mở rộng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế đồi rừng có hiệu quả cao, góp phần giảm nghèo bền vững và từng bước nâng cao đời sống cho người dân.
Quốc Khang