Cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Cùng với đó là sự quan tâm đầu tư cho phát triển giáo dục, y tế, văn hóa một cách đồng bộ, hiệu quả đưa thị trấn Thiên Tôn trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng khá và đồng đều, xứng đáng là trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội của miền đất Cố đô Hoa Lư.
Tháng 10 năm 2003, thị trấn Thiên Tôn được thành lập trên cơ sở tách 1 phần địa giới từ 2 xã Ninh Mỹ và Ninh Khang. Khi ấy, cũng như nhiều địa phương khác trong huyện Hoa Lư, thị trấn vẫn là địa phương thuần nông, công nghiệp chưa phát triển (chiếm trên 35% trong tỷ trọng cơ cấu kinh tế). Trong khi đó, cơ sở vật chất lại nghèo nàn, hệ thống điện thắp sáng và nước sinh hoạt chưa hoàn chỉnh; không có vỉa hè và điện chiếu sáng công cộng; cơ sở dịch vụ, thương mại, công nghiệp gần như không có…; trình độ quản lý của một số ít cán bộ còn hạn chế...
Trước thực tế đó, với quyết tâm xây dựng một thị trấn Thiên Tôn giàu mạnh, văn minh, Đảng ủy, UBND thị trấn đã đề ra quy chế làm việc chặt chẽ; thực hiện nghiêm nguyên tắc sinh hoạt Đảng; duy trì chế độ giao ban hàng tuần, hàng tháng giữa cấp ủy, chính quyền với MTTQ và các đoàn thể; phân công rõ trách nhiệm cho từng đảng ủy viên, từng đoàn thể và từng chi bộ, thôn, xóm; tập trung cải cách các thủ tục hành chính, đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao trình độ, năng lực cho mỗi cán bộ, đảng viên, đồng thời thường xuyên tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thị trấn đã tập trung khai thác có hiệu quả tài nguyên đất đai và sức lao động của con người. Người dân Thiên Tôn luôn nhạy bén với cái mới, sớm đưa các loại giống lúa lai, lúa chất lượng cao vào trồng. Năm 2008, Thiên Tôn đã cấy 90% diện tích lúa lai và lúa thuần, 10% diện tích lúa đặc sản, đưa tổng sản lượng lương thực của toàn thị trấn đạt 1.202 tấn, tăng trên 220 tấn so với năm 2003
Song song với đó, nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở Thiên Tôn đang được duy trì và phát triển như: Nghề mộc, may mặc, chế biến nông sản..., tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho gia đình. Cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển tích cực, đến nay, tỷ trọng nông nghiệp, chăn nuôi giảm xuống còn 21%, công nghiệp, dịch vụ, thương mại đạt 79%, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 5,7% (giảm 7,3% so với 5 năm trước).
Đi đôi với phát triển kinh tế, Thiên Tôn đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại. 100% các tuyến đường trục chính đã được rải nhựa và đổ bê tông; hệ thống cung cấp nước sinh hoạt được xây dựng, đảm bảo 98% số hộ được dùng nước sạch và nhiều công trình phục vụ dân sinh khác đã được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí lên tới hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh đó, thị trấn đã quy hoạch được khu thu gom và xử lý rác thải, đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp.
Hệ thống điện chiếu sáng và điện hoa trang trí, lắp đặt... được xây dựng khang trang, đẹp mắt. Nhiều công trình, dự án được tôn tạo đẩy nhanh tiến độ thi công như: Khu di tích lịch sử văn hóa chùa và động Thiên Tôn, đền Đa Giá hạ; cụm công nghiệp Đồng Quán... Các công trình hạ tầng được quan tâm xây dựng vừa là nhu cầu tất yếu đối với đời sống nhân dân, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", 100% tổ dân phố đã xây dựng quy ước. Nếp sống văn minh đô thị được hình thành. Toàn thị trấn đã có 6/6 khu dân cư đạt khu dân cư tiên tiến, 3 khu dân cư và Trường THCS Đinh Tiên Hoàng được công nhận đơn vị văn hóa cấp tỉnh, 90% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Chất lượng giáo dục ngày một nâng cao. Đến nay, Trường Tiểu học của thị trấn đã được công nhận chuẩn quốc gia mức độ II. Hiện thị trấn đang gấp rút triển khai xây dựng một số hạng mục công trình cho Trường THCS Đinh Tiên Hoàng, phấn đấu được công nhận chuẩn Quốc gia vào năm 2009.
Đinh Ngọc