Đến nay, Yên Khánh đã có 5 làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận: Làng nghề mây tre đan Đông Thịnh - La Bình; làng nghề bún Yên Ninh (xã Khánh Ninh); làng nghề cói thôn Bình Hòa (xã Khánh Hồng); làng nghề cói thôn 10 (xã Khánh Nhạc) và làng nghề cói xóm 8 (xã Khánh Mậu).
Là xã có gần 400 ha đất nông nghiệp nhưng những năm trước xã Khánh Vân chưa có sự khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo năm 2007 vẫn còn 9,7%. Trước tình hình đó, Đảng ủy xã đã tập trung lãnh đạo công tác giảm nghèo theo Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy, trong đó nhấn mạnh việc đưa các nghề phụ vào phát triển sản xuất. Với đặc thù một vùng quê có tỷ lệ người đi làm ăn xa đông, lực lượng lao động chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người có tuổi nên việc chọn đưa nghề gì để nhân rộng trên địa bàn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo là vấn đề trăn trở của các cấp ủy đảng, chính quyền nơi đây.
Trên địa bàn xã Khánh Vân có từ 18 đến 20 ngành nghề phụ mà bà con nhân dân duy trì như nghề mộc, nề, thêu ren, mây tre đan… Trong đó nghề mây, tre đan, là nghề có truyền thống lâu đời lại có thị trường tiêu thụ ổn định nên Đảng ủy xã đã quyết định chọn nghề thủ công nghiệp làm đòn bẩy trong công tác giảm nghèo, từ đó khuyến khích những nghề khác phát triển, nhân ra diện rộng.
Đồng chí Vũ Xuân Bình, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Khánh Vân là một trong những xã có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp như nguồn lao động dồi dào, người lao động cần cù, sáng tạo, nguồn nguyên liệu phong phú, cơ sở hạ tầng được đầu tư… Hiện nay, có hơn 500 hộ trên địa bàn xã làm nghề mây, tre đan, trong đó tập trung chủ yếu ở hai thôn Đông Thịnh và La Bình.
Các sản phẩm của làng nghề rất đa dạng như thúng, mủng, nong nia, rổ rá…Sản phẩm đẹp, chất lượng cao nên sản xuất ra đến đâu được tiêu thụ ngay tới đó. Trung bình mỗi ngày, trừ chi phí, thu nhập đạt 20.000 đồng/người/ngày. Có những hộ cả gia đình tham gia làm nghề mây, tre đan, thu nhập có thể đạt hàng triệu đồng…
Với mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, BCH Đảng bộ huyện Yên Khánh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU "Về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn giai đoạn 2005-2010" nhằm khai thác, phát triển công nghiệp và các ngành nghề tiểu thủ công trên địa bàn huyện, tạo việc làm, thu hút lao động lúc nông nhàn. Nghị quyết 04 của Huyện ủy ra đời như một động lực, mở ra hướng đi mới cho các cấp ủy
Đảng và chính quyền nơi đây với những giải pháp cụ thể, những chính sách hỗ trợ để phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Đảng bộ Yên Khánh xác định: Phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác mọi nguồn lực cho đầu tư và phát triển tiểu thủ công nghiệp, xác định đây là khâu đột phá để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp toàn diện, thu hút nhiều lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Đặc biệt, khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU về phát triển nghề chiếu cói, thêu ren và chế tác đá mỹ nghệ, huyện có thêm động lực thúc đẩy sản xuất phát triển, khởi sắc về các ngành nghề tiểu thủ công. Người dân đã được tham gia vào các lớp học nghề do huyện, xã mở.
Các xã, HTX cũng tạo điều kiện để mọi người dân tham gia vào sản xuất. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các đoàn thể trong việc dạy nghề, bao tiêu sản phẩm, giải quyết những vấn đề ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất ngày càng được nâng lên.
Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân đều mở lớp dạy nghề cho hội viên, đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ. Huyện cũng tiếp tục nâng cao chất lượng Trung tâm giáo dục cộng đồng của các xã, thị trấn, khuyến khích và tạo điều kiện cho Câu lạc bộ nữ doanh nghiệp, câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế giỏi hoạt động hiệu quả.
Bên cạnh đó tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất với những chính sách ưu đãi. Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện có kế hoạch cụ thể cho vay vốn phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn, tập trung cho những dự án có quy mô lớn và giải quyết được nhiều lao động có việc làm.
Đến nay toàn huyện đã có 5 làng nghề truyền thống, một số nghề được duy trì và phát triển có hiệu quả như chế biến lương thực thực phẩm, thêu ren, mây tre đan, cói; một số nghề mới như làm nứa chắp, bèo bồng, cơ khí, vật liệu xây dựng… đang ngày càng khẳng định vị trí là những nghề quan trọng, thu hút hàng nghìn lượt lao động mỗi năm, góp phần hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện.
Quỳnh Thu