Trung tá Bùi Thu Hương, nguyên phóng viên Báo Hải quân Việt Nam, trước đây là cán bộ sưu tầm của Bảo tàng Hải quân, chị được một đồng nghiệp trao lại cuốn nhật ký trước khi chuyển công tác. Đã hơn chục năm chị luôn cất giữ rất cẩn thận nhưng vẫn canh cánh chưa gửi lại cuốn nhật ký ấy cho gia đình liệt sỹ.
Có được những thông tin trong cuốn nhật ký, ghi " Đinh Công Phúc, xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Nhập ngũ ngày 24-4-1970, nhận bằng tốt nghiệp cấp 3 ngày 27-6-1970", tôi lên đường tìm về quê hương chủ nhân cuốn nhật ký! Con đê Hoàng Long dẫn về quê anh dài tít tắp, vừa đi vừa lo chỉ sợ sẽ không gặp được ai.
Đọc những bài thơ, những dòng nhật ký của anh Phúc có nhắc tên bạn thân cùng quê là Trần Đắc Me, Trần Minh, bác Nhận cùng một người quan trọng với tên "Người yêu". Tôi hỏi thăm vào nhà bác Trần Đắc Me hy vọng có thêm thông tin nào đó. Gặp bác, tôi được nghe kể một chặng đường dài của những con người đã từng vào sinh ra tử, đặc biệt là liệt sỹ Đinh Công Phúc - người bạn thân cùng quê, cùng trận tuyến. Bác kể: Tôi và anh Phúc học cùng với nhau từ tấm bé tới lúc tốt nghiệp cấp 3. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, tạm gác lại giấc mơ đại học, chúng tôi hăng hái lên đường! Trong ký ức của bác Me vẫn đọng lại hình ảnh cậu bạn thân tên Phúc là một anh chàng đẹp trai, lãng mạn, tài hoa, làm thơ giỏi và cùng "thầm thương trộm nhớ" cô bạn trường làng. Những kỷ niệm xưa như những thước phim quay chậm ùa về trong bác khi được tôi hỏi chuyện. Lần cuối hai người gặp nhau là Tết năm 1974, khi các đồng chí hải quân quê Ninh Bình gặp nhau ở Bắc Bến Cát (Hóc Môn - Gia Định) cùng chia bánh chưng mừng Xuân mới. Đang ăn thì đạn pháo của địch từ bên kia sông bắn phá, tất cả cầm khẩu tiểu liên trong tay, luồn bờ tầm vông chạy qua sông, trước lúc chia tay, bác Me còn làm bài thơ tặng các đồng chí: "Chia tay nhau hẹn gặp anh hùng - Xuân về tái hợp cảnh chung vui - Đầu năm chúc bạn vui trẻ khỏe - Suốt đời xin giữ trọn hiếu trung". Chia tay là chia tay mãi mãi… Lúc anh Phúc hy sinh, bác Me đang chiến đấu ở khu vực núi Bà Đen (Tây Ninh), khi trở về đồng đội cùng đơn vị anh Phúc đưa cho bác cuốn nhật ký sau này cầm về đưa lại cho gia đình nhưng chiến tranh không nói trước, bác chỉ cầm tấm ảnh của anh Phúc làm kỷ niệm (mà sau này tấm ảnh đó làm ảnh thờ), còn cuốn nhật ký bác gửi lại phân đội trưởng của anh Phúc…
Đôi tay bác run run nâng niu giở từng trang nhật ký của anh Phúc, sau 40 năm không biết cuốn nhật ký đã được chuyền tay bao nhiêu người nhưng nay nó lại trở về với người bạn, người đồng đội cũ. Những nét chữ trong nhật ký cũng đã nhòe nhưng bác Me vẫn ráng đọc những tâm sự, những dòng thơ của người bạn, người đồng chí, người đồng hương đã ra đi vĩnh viễn. Cũng qua câu chuyện với bác Me, chúng tôi biết bố mẹ anh Phúc không còn, bác Đinh Thị Lạng là chị gái nuôi, chỉ có em trai ruột là bác Đinh Công Đức cũng đã mất, chỉ còn chị dâu và các cháu hiện ở Nho Quan. Thông tin chỉ có vậy, không có địa chỉ cụ thể, rõ ràng, mà cuốn nhật ký ấy cần phải trao cho đúng người.
Chào bác Me, tôi tìm đến nhà bác Đỗ Thị Điệp - người con gái được nhắc đến trong cuốn nhất ký. Con đường làng quanh co, khúc khủyu cứ dẫn tôi đi, hỏi thăm mọi người trong làng không ai biết bà Điệp, bởi lẽ lấy chồng theo chồng, người ta gọi bác bằng tên chồng - bà Lý. Bác Lý đã 62 tuổi nhưng vẫn đẹp, vẻ đẹp của người phụ nữ thôn quê thật thà, chất phác. Giờ bác đã lên chức bà, khi được hỏi chuyện ngày xưa, tình cảm của bác với anh Phúc, bác cười và nói: "Nếu anh ấy về thì chúng tôi đã nên vợ nên chồng, nhưng biết làm sao được, chiến tranh loạn lạc mà!". Tình cảm trong sáng từ thời đi học, chỉ là những câu thơ, những dòng thư viết vội nhưng cũng hẹn thề đôi lứa, trong cuốn nhật ký anh Phúc vẽ đôi chim bồ câu cùng câu thơ: "Nhớ em yêu sớm chiều nhắc nhở - Biết bao giờ gặp gỡ em đây - Hẹn ngày thống nhất nay mai - Anh về ăn ở sum vầy cùng em". Tôi mang băn khoăn của mình ra trao đổi với bác Lý, giờ không biết nên trao lại cuốn nhật ký ấy cho ai, bác nói luôn " hãy gửi lại cho tôi", nhưng không được, cuốn nhật ký ấy phải trao lại cho gia đình!
Tôi chợt nhớ ra, mình đang có mặt trên mảnh đất "địa linh nhân kiệt" từ thời vua Đinh, vua Lê, tôi dò tìm về nhà bác trưởng họ của dòng họ Đinh ở Gia Thắng may ra có chút thông tin về thân nhân liệt sỹ Đinh Công Phúc. Quả nhiên tôi đã tìm đúng! Dòng họ Đinh ở Gia Thắng là một dòng họ lớn đãtrải qua 24 đời và còn lưu truyền lại rất nhiều hiện vật của các cụ ngày xưa, như sắc phong của vua, gia phả từ thế kỉ XVI… Gia đình anh Phúc thuộc chi 2 trong dòng họ lớn đó, trong gia phả còn ghi tên, năm sinh, năm mất của từng người. Nói chuyện với bác trưởng họ Đinh Thế Vinh, tôi mới hiểu tường tận về gia đình liệt sỹ, bác Vinh cũng thông tin cho tôi về gia đình bác Đức. Sau bữa cơm trưa ở nhà bác Vinh, tôi và bác lên đường về Nho Quan tìm gia đình bác Đức. Địa hình đồi núi, dốc quanh co, sau 20km từ Gia Viễn cùng chỉ dẫn của bác Vinh tôi đã tìm thấy nhà bác Đức. Bác trai đã mất chỉ còn bác gái Lê Thị Mạnh năm nay ngoài 60 tuổi, không được khỏe lắm. Tôi thông tin cho bác về cuốn nhật ký củaliệt sỹ và mời bác cùng các anh, chị về nhà bác trưởng họ đón nhận cuốn nhật ký của liệt sỹ Đinh Công Phúc cùng họ hàng gia tộc.
Sau khi có được đầy đủ thông tin, tôi và chị Thu Hương quyết định sáng 16-7 sẽ về Gia Thắng, Gia Viễn trao gửi lại cuốn nhật ký cho gia đình và gửi lại nhà thờ họ Đinh là tốt nhất. Về đến gia đình bác Vinh đã thấy đầy đủ các ông, các bác trong hội đồng gia tộc, bác Mạnh cùng con cháu, bác Me… Đón nhận cuốn nhật ký từ chúng tôi, gia đình vô cùng xúc động. Sau biết bao năm, cuốn nhật ký đã trở về gia đình theo đúng tâm nguyện của liệt sỹ, sự trở về ấy sẽ là cơ sở để gia đình có thể tìm lại hài cốt của liệt sỹ Đinh Công Phúc bên bờ sông Sài Gòn - Gia Định năm xưa, đưa anh về quê hương của mình!
Một tuần ròng rã đi về Gia Viễn, cuối cùng cuốn nhật ký cũng đã tìm được chủ nhân lưu giữ, tôi cũng thấy lòng mình nhẹ nhàng, thanh thản hơn. Thắp cho anh nén nhang, cầu anh sống khôn chết thiêng về lại quê hương chứng kiến cảnh hội ngộ này, những nét vẽ tài hoa, những bài thơ anh viết sẽ còn mãi về sau. Hy vọng sau bài báo này sẽ có thêm nhiều thông tin về liệt sỹ Đinh Công Phúc để gia đình sớm đưa hài cốt liệt sỹ về quê nhà.
Nguyễn Thị Tâm
(Học viện Báo chí và Tuyên truyền)