Tuy nhiên, cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã kéo theo hệ lụy là các hồ này đang bị ô nhiễm nặng, bị thu hẹp và có nguy cơ sẽ "biến" thành ao tù, nước đọng do người dân thiếu ý thức đổ đất, đá, rác thải xuống hồ.
Sông Vân đẹp là thế mà dường như nhiều người vẫn "vô cảm" coi đó như một nơi để xả rác. Trên sông bập bềnh đủ thứ, nào là túi nilon, vỏ trái cây, chăn, màn hỏng cùng nhiều thứ rác rưởi khác chìm dưới đáy sông..., làm môi trường ô nhiễm và cản trở dòng chảy. Vấn đề rác thải đổ xuống lòng sông, hồ trên địa bàn thành phố đang là thực trạng khiến nhiều người lo ngại.
Ai đã từng biết hồ Biển Bạch (phường Vân Giang) trước kia trong xanh, thoáng mát là thế, nhưng giờ đây bèo bồng cùng với rác thải đã phủ kín mặt hồ. Xung quanh bờ hồ là đất, đá, gạch vụn được đổ thành đống lấn chiếm dần diện tích. Những ngày nắng nóng mặt hồ bốc lên mùi tanh nồng thật khó chịu!
Lý giải điều này, ông Phạm Văn Bính, Phó Chủ tịch UBND phường Vân Giang cho biết: Năm 2005, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2604 ngày 24-11-2005 về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết khu công viên hồ Biển Bạch, theo đó một trạm bơm nước bẩn với công suất 210 m3/giờ sẽ được xây dựng. Trong trường hợp chưa có trạm bơm thì xây dựng một hệ thống bể thu gom và lọc nước bẩn để xử lý trước khi thải ra sông Vân. Song, thực tế cho đến nay các công trình này vẫn chưa được triển khai. Trong khi đó, rác đổ ra hồ Biển Bạch không chỉ riêng ở phường Vân Giang mà còn rất nhiều nguồn khác đem đến. Nhiều lần lực lượng tuần tra nhìn thấy xe ben đổ rác thải xây dựng, xe máy chở bao tải rác vứt xuống bờ hồ... chưa kịp bắt giữ thì xe đã chạy mất. Điều đáng nói là những hành động này thường diễn ra vào ban đêm mà lực lượng tuần tra lại quá mỏng..., gây không ít khó khăn cho công tác bảo vệ môi trường quanh khu vực hồ Biển Bạch.
Không riêng gì Biển Bạch mà hiện nay hầu hết các hồ khác trên địa bàn thành phố đang lâm vào tình trạng ô nhiễm nặng. Trao đổi với lãnh đạo Chi cục Quan trắc môi trường tỉnh chúng tôi được biết: Vài năm trở lại đây, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh nói chung và thành phố Ninh Bình nói riêng đã có những chuyển biến tích cực. Năng lực, tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường được củng cố và tăng cường; nhận thức về bảo vệ môi trường trong các cấp, các ngành và nhân dân được nâng lên; mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường đã từng bước được hạn chế, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng bền vững. Hiện nay hệ thống hồ của thành phố đang bị ô nhiễm, vượt giới hạn tiêu chuẩn cho phép (theo tiêu chuẩn TCVN 5942-1995). Trong khi đó, thành phố Ninh Bình lại chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nước mưa và nước thải sinh hoạt chung một hệ thống thoát nước và thường được đổ thẳng ra các hồ. Nước thải không được xử lý hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn đã gây nên tình trạng ô nhiễm cục bộ, ô nhiễm nguồn nước mặt, ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài thủy sinh, làm suy giảm tính đa dạng sinh học.
Theo số liệu quan trắc, chất lượng nước sông Đáy năm 2006 và đầu năm 2007 cho thấy, nước tại một số đoạn sông Vân có đông dân cư sinh sống và có nhiều hoạt động giao thông thủy, vận tải như âu thuyền sông Vân, cảng Ninh Bình và cảng Ninh Phúc có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ: hàm lượng BOD cao gấp từ 1,06 đến 1,476 lần tiêu chuẩn cho phép. Bên cạnh đó, hàm lượng chất rắn lơ lửng trong nước các sông, hồ nội thành thành phố Ninh Bình đều vượt tiêu chuẩn môi trường cho phép như: hàm lượng chất rắn lơ lửng trong nước sông Vân vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,03 đến 1,1 lần; nước hồ Lâm nghiệp vượt 1,02 lần...
Hồ Lâm Nghiệp, hồ Biển Bạch có nồng độ NH3 vượt gấp nhiều lần tiêu chuẩn cho phép (hồ Lâm Nghiệp vượt gấp 4,92 lần, hồ Biển Bạch vượt gấp 4,85 lần)... Nước sông Đáy đoạn qua thành phố Ninh Bình đang có nguy cơ bị ô nhiễm do chất thải từ đầu nguồn Hà Nội, Hà Nam đổ về, đặc biệt là vào mùa khô, nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của nhân dân vì đây là nguồn cấp nước sinh hoạt chính cho thành phố.
Đề cập đến việc xử lý ô nhiễm môi trường tại các hồ, sông trên địa bàn thành phố, lãnh đạo Chi cục Quan trắc môi trường tỉnh cho rằng, trong khi thành phố chưa thể xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt một cách đồng bộ thì trước mắt vấn đề cốt lõi vẫn là phải xử lý triệt để nước thải sinh hoạt trong từng gia đình trước khi xả ra sông, hồ. Mặt khác, cũng cần nêu cao trách nhiệm của từng ngành, từng cấp bởi hiện tại theo luật thì ngành Nông nghiệp, Tài nguyên môi trường và chính quyền địa phương đều phải có trách nhiệm quản lý và bảo vệ sông, hồ.
Đã đến lúc việc bảo vệ môi trường sông, hồ trên địa bàn thành phố Ninh Bình không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động mà phải đưa ra được các biện pháp xử lý thực sự hữu hiệu, trong đó cần xử phạt kiên quyết hơn nữa những trường hợp cố tình vi phạm. Với định hướng trở thành thành phố du lịch vào năm 2020, thì môi trường nói chung và môi trường sông, hồ nói riêng ở thành phố Ninh Bình cần phải được chú trọng, quan tâm đúng mức. Đó cũng là trách nhiệm của mỗi người vì một thành phố xanh- sạch đẹp.
Đức Nghĩa