Đi tìm tiếng nói chung
Công ty TNHH Giầy Adora có khoảng 8.000 lao động, trong đó chủ yếu là lao động nữ. Trước đây, nhiều chị em không có điều kiện hoặc còn e ngại khi tham gia các hoạt động chung, vì vậy việc bày tỏ nguyện vọng hoặc những băn khoăn, vướng mắc với người sử dụng lao động gặp khó khăn. Chị Đinh Thị Tâm, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Thường khi đưa ra một ý kiến, kiến nghị nào đó, công nhân hay có tâm lý e ngại. Do vậy, Công đoàn đã lập hộp thư, công nhân có thể bỏ thư vào đó, vài ngày, chúng tôi lại kiểm tra hộp thư. Thông tin của công nhân được giữ kín, nội dung kiến nghị được quan tâm nên họ rất tin tưởng.
Nhờ cách làm đó, chị Tâm đã động viên người lao động mạnh dạn lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình. Thông qua 15 hòm thư lấy ý kiến được đặt tại các chuyền, hàng tuần tổ trưởng Công đoàn thu thập thông tin phản ánh với Công đoàn Công ty để giải quyết kịp thời. Ngoài ra, Công đoàn còn tham khảo các chế độ, chính sách của các công ty có cùng ngành nghề sản xuất, các công ty trong cùng tập đoàn để bổ sung vào thỏa ước lao động tập thể cho phù hợp với nguyện vọng và quy định mới nhất của pháp luật, nhất là đại diện thỏa thuận với người sử dụng lao động từng nội dung cụ thể với những điều khoản có lợi nhất cho người lao động. Trong đó phải kể đến việc tăng tiền cơm ca từ 15.000 đồng/người/bữa ăn lên 17.000 đồng/người/bữa ăn, điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng trước thời hạn 2 tháng cho người lao động, tăng tiền trợ cấp thâm niên từ mức thấp nhất là 80.000 đồng lên 150.000 đồng và mức cao nhất là 800.000 đồng/tháng/người…
Tuy vậy, cũng theo chị Tâm: Nếu cán bộ Công đoàn chỉ hướng đến đích duy nhất là việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động, không coi trọng xây dựng tốt quan hệ phối hợp với doanh nghiệp, vô hình chung đã trở thành đối trọng với người sử dụng lao động. Do vậy, chúng tôi đặc biệt coi trọng đối thoại để đi đến thống nhất giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và lợi ích của doanh nghiệp. Để có cơ sở thực hiện tốt mối quan hệ đó, CĐCS Công ty đã xây dựng Quy chế phối hợp hoạt động với người sử dụng lao động, trong đó có quy định ràng buộc trách nhiệm của hai bên: Công đoàn có trách nhiệm gì trong xây dựng và phát triển doanh nghiệp; doanh nghiệp cần quan tâm, tạo những điều kiện cơ bản nào cho Công đoàn hoạt động; khi có những hoạt động đều có sự trao đổi để thống nhất thực hiện; lãnh đạo doanh nghiệp luôn đáp ứng các nội dung khi Công đoàn cấp trên tổ chức các hoạt động quy mô lớn tại doanh nghiệp… Nhìn vào mối quan hệ hài hòa này ít ai có thể hình dung được trước đây đã từng có thời điểm Công ty thường xuyên xảy ra ngừng việc tập thể kéo dài trong nhiều ngày. Và khi đó, những hội nghị đối thoại giữa chủ doanh nghiệp và người lao động được tổ chức đã giải quyết được rất nhiều vấn đề về bất đồng về chính sách tiền lương, về hiểu biết pháp luật…
Không dễ dàng để tìm được tiếng nói chung ở một doanh nghiệp có tới 8.000 công nhân, đồng thời chủ sử dụng lao động lại là người nước ngoài, song CĐCS Công ty đã thành công nhờ vào việc thiết lập hệ thống tiếp nhận và phản hồi thông tin đa chiều, thường xuyên đối thoại và kịp thời nắm bắt, giải quyết các vấn đề bức xúc phát sinh…
Tổ chức đối thoại tại nơi làm việc
Theo thông tin từ LĐLĐ tỉnh: cùng với Công ty Giầy Adora, từ đầu năm đến nay cũng đã có hơn 130 doanh nghiệp khác tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Điểm nổi bật là nhiều CĐCS đã chủ động tham mưu, phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức hội nghị, tập trung bàn những vấn đề bức thiết, cụ thể đối với người lao động và doanh nghiệp, góp phần tạo nên sự đồng thuận. Hoạt động đối thoại được tổ chức theo định kỳ hoặc đột xuất. Nội dung tập trung vào các vấn đề tiền lương, thưởng, chế độ phúc lợi, môi trường, điều kiện làm việc, phương pháp quản lý... Tác động rõ nét nhất từ quá trình đối thoại chính là việc Chương trình nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể được triển khai hiệu quả. Đến nay đã có 173/249 CĐCS doanh nghiệp ký kết thỏa ước lao động tập thể với nội dung ngắn gọn, tập trung vào những điểm có lợi hơn cho người lao động như chế độ phúc lợi tập thể, thời giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi, tiền lương, tiền thưởng, cải thiện điều kiện làm việc. Đồng thời có 130/249 doanh nghiệp tổ chức cho người lao động ăn ca với mức từ 15 nghìn đồng trở lên (còn lại phần lớn không tổ chức bữa ăn ca do đặc thù sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp)…
Cũng nhờ việc phát huy hiệu quả các cuộc đối thoại mà đa số những bức xúc, khiếu nại của người lao động đã được giải quyết kịp thời, không để mâu thuẫn kéo dài. Từ đó số vụ ngừng việc tập thể trên địa bàn toàn tỉnh đã giảm đáng kể, chỉ còn 4 vụ trong vòng 6 tháng qua. Đối với những vụ việc này, các cấp Công đoàn đã kịp thời nắm tình hình, trao đổi, đối thoại với người sử dụng lao động tìm biện pháp giải quyết thỏa đáng.
Cùng với đối thoại, các cấp Công đoàn cũng đang triển khai nhiều giải pháp khác để đảm bảo hài hòa quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động. Chỉ trong nửa đầu năm 2019, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn, Luật An toàn vệ sinh lao động với những nội dung liên quan trực tiếp tới chế độ, chính sách dành cho CNVCLĐ, chính sách dành cho lao động nữ tại 69 đơn vị; Công đoàn cấp trên cơ sở thực hiện 17 cuộc giám sát... Qua đó đã phát hiện, nhắc nhở và kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm, giải quyết vướng mắc, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Đào Duy