Đồng chí Phạm Thị Hồng, Giám đốc Sở Công thương cho biết, để đưa cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đi vào cuộc sống, Sở đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung của cuộc vận động. Trong đó đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh cung cấp 135 bản tin giá cả thị trường; thông tin kịp thời các chính sách, văn bản, các hoạt động ngành công thương về việc triển khai thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên website của Sở Công thương và Bản tin Công thương Ninh Bình. Trong 5 năm triển khai thực hiện cuộc vận động, Sở đã phát hành 7.000 Bản tin Công thương, trong đó có trên 30 bản tin, bài viết tuyên truyền về cuộc vận động; nhiều tin, bài về cơ chế, chính sách của Nhà nước hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, dịch vụ uy tín trên địa bàn… Qua đó, góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong việc ưu tiên lựa chọn những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ là hàng Việt Nam. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, Sở còn chủ trì, phối hợp với các ngành triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh mở rộng sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều sản phẩm trên địa bàn đã được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn như các sản phẩm ximăng, thép, phân bón, tranh thêu, đá mỹ nghệ, gỗ mỹ nghệ, rượu Lai Thành, giấy vở học sinh… Ngoài ra, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh trong các dịp Tết Nguyên đán; tổ chức chương trình kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh với Big C Ninh Bình nhằm đưa các sản phẩm của tỉnh vào tiêu thụ trong hệ thống Siêu thị Big C..., góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp người dân có cơ hội lựa chọn hàng hóa đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp.
Bên cạnh đó, Sở Công thương còn tổ chức tốt các hội chợ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và khu công nghiệp; tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm trong nước để giới thiệu, bán sản phẩm của địa phương… 5 năm qua, Sở đã tổ chức 11 chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và 1 đợt đưa hàng Việt về khu công nghiệp với sự tham gia của 53 lượt doanh nghiệp; phối hợp tổ chức 31 hội chợ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" với trên 3.000 gian hàng tại 8/8 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh, thu hút 1.500 lượt doanh nghiệp tham gia với những sản phẩm thiết yếu mang thương hiệu Việt, đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, phù hợp với thu nhập của nhân dân.
Những hoạt động đó đã góp phần giúp các doanh nghiệp tiếp cận, tìm hiểu thị trường nông thôn, nhu cầu, tâm lý mua sắm, giá cả hàng hóa để từng bước xây dựng kênh phân phối, mở rộng thị trường, tạo dựng uy tín với người tiêu dùng khu vực nông thôn. Đây cũng là dịp để người dân nông thôn có cơ hội mua sắm, sử dụng những sản phẩm hàng Việt Nam chính hiệu với chất lượng tốt, giá cả phải chăng, phù hợp với thu nhập của mình. Ngoài ra, Sở Công thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về kinh doanh hàng giả, vi phạm trong lĩnh vực giá, đo lường chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, kinh doanh vàng bạc, kinh doanh xăng dầu, gas trong thời điểm có sự biến động về giá; tăng cường công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, góp phần làm lành mạnh thị trường, ổn định giá cả hàng hóa, tạo điều kiện cho hàng Việt có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Cũng theo đồng chí Phạm Thị Hồng, để tiếp tục triển khai có hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", trong thời gian tới Sở Công thương sẽ tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng về sử dụng hàng Việt. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia hội chợ thương mại trong và ngoài nước để giới thiệu, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa của tỉnh. Tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm Ninh Bình có lợi thế như gạo Hương Bình, cơm cháy, thịt dê, ngao Kim Sơn, rượu Lai Thành, cói mỹ nghệ Kim Sơn, thêu ren Ninh Hải, đá mỹ nghệ Ninh Vân...
Nghiên cứu, đề xuất chính sách nhằm củng cố và mở rộng hệ thống phân phối, xây dựng các kênh phân phối văn minh, hiện đại đối với hàng Việt; đa dạng hóa các loại hình phân phối, thiết lập hệ thống các điểm bán hàng Việt bền vững, đặc biệt tại các khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Thường xuyên tổ chức các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, các hình thức khuyến mại hàng Việt Nam như "Ngày hàng Việt", "Tuần hàng Việt", "Tháng hàng Việt"; định kỳ phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan tổ chức "Tuần lễ Việt" trên địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, đẩy lùi các sản phẩm nhập ngoại, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tạo dựng thương hiệu hàng Việt uy tín, chất lượng đối với người tiêu dùng.
Quốc Khang