Từ cậu học trò nghèo với ước mơ trở thành họa sỹ Chúng tôi gặp Trần Sỹ Khải tại nhà riêng vào một ngày đầu tháng Chạp. Anh chững chạc hơn nhiều so với tuổi 35.
Anh Khải kể, anh sinh ra trong một gia đình khá cơ bản, mẹ là giáo viên, bố là thương binh. "Đồng lương giáo viên ít ỏi của mẹ phải gánh mọi khoản sinh hoạt cho cả gia đình và thêm cả bà nội và cô tôi. Bố tôi là thương binh, sức khỏe kém, lại đau yếu quanh năm. Mọi việc lớn bé trong nhà đặt cả lên vai mẹ. Để có đủ khả năng lo toan cho cả gia đình và nuôi hai chị em tôi ăn học, ngoài giờ lên lớp, mẹ phải cấy thêm ruộng, chăn nuôi lợn gà… Tôi đặc biệt yêu thích môn vẽ và luôn nuôi ước mơ sẽ trở thành họa sỹ"- anh Khải nói.
Sỹ Khải vẽ rất đẹp, điểm đặc biệt là anh sử dụng tay trái để vẽ. "Tôi hồ hởi nộp hồ sơ vào trường Đại học Mỹ thuật rồi đợi đến ngày đi thi. Ngày đi thi, mẹ tôi tần ngần đưa cho tôi một ít tiền lẻ, chỉ có vài chục ngàn. Với số tiền ấy, không đủ tiền mà nộp lệ phí thi chứ chưa nói gì đến thuê nhà trọ, tiền ăn, tiền đi lại… Mẹ khóc, tôi cũng khóc. Vậy là tôi từ bỏ ước mơ làm họa sỹ từ đó"- Sỹ Khải nhớ lại.
Khải xin gia đình cho vào miền Nam để đi làm. Vào Sài Gòn, Khải vừa đi làm, vừa tiếp tục ôn thi. Rồi anh thi đỗ vào trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, ngành tự động hóa. Ngoài thời gian đến trường, Khải xin vào làm tại các nhà xưởng để rèn thêm kiến thức thực tiễn. Để có tiền ăn học, Khải còn xin đi bán hàng, tiếp thị… Những lăn lộn để giúp anh trang trải cuộc sống, học tập nơi phố thị lại là những kinh nghiệm quý báu để Khải khởi nghiệp sau này.
Đến người kỹ sư dám nghĩ, dám làm
Ra trường, Sỹ Khải dễ dàng tìm được việc làm đúng chuyên môn với mức thu nhập khá cao. Nhưng đến năm 2010, bố anh ốm nặng, anh đành đưa cả vợ con về quê để dễ bề chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ già. Trở về quê, điều anh trăn trở nhất, là làm nghề gì để phát triển. Nhận thấy tiềm năng của Ninh Bình về du lịch với lượng khách về tham quan ngày càng đông; anh mạnh dạn làm cơm cháy để bán phục vụ khách du lịch tại địa phương. Anh Khải cho biết, "Nói đến Ninh Bình là mọi người nghĩ ngay đến hai đặc sản là thịt dê và cơm cháy. Tuy nhiên, thời điểm ấy ở Ninh Bình chưa có cơ sở sản xuất cơm cháy một cách hiện đại". Cũng như những ngày đầu làm quen với các thuật toán trong tự động hóa, Sỹ Khải cũng tràn đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực mới này. Và hơn cả mong muốn làm giàu, Sỹ Khải mong muốn sẽ tạo ra món cơm cháy thật ngon, sạch, để bất cứ ai khi sử dụng cơm cháy sẽ nhớ mãi không quên.
Nhưng, khác với đi học, làm kinh tế thì phải có nhiều kiến thức thực tế hơn. Trong khi đó, ở địa phương lại chưa có mô hình sản xuất cơm cháy để Khải tham quan, học hỏi. Vì vậy, anh phải làm theo kiểu… "ném đá dò đường", công việc gặp nhiều khó khăn. Cả hai vợ chồng anh đều trực tiếp tham gia làm cơm cháy theo kiểu thủ công. Có lần hỏng cả mẻ gạo, thiệt hại hơn 300 triệu đồng, vợ chồng lại trắng tay. Chẳng nản, lại tiếp tục vay tiền người thân để làm nghề, làm đến khi nào thật ưng ý anh mới đưa ra bán ở các khu du lịch. Khổ nỗi, do không "mua" được chỗ ngồi nên vợ chồng anh Khải phải đi bán …rong. Những kinh nghiệm trong thời gian đi làm thêm thời còn học đại học đã giúp anh kết nối tốt hơn với khách hàng. "Ban đầu, tôi mời khách ăn thử. Thật may là khách nào khi thử xong cũng thấy hài lòng và mua về làm quà cho người thân. Ngoài ra, tôi đi tận các tỉnh lân cận để ký gửi vào các lò bánh mỳ. Dần dần, doanh số bán cơm cháy còn nhiều hơn cả bánh mỳ, họ trở thành khách ruột của tôi. Mỗi ngày, vợ chồng tôi làm từ 10-20 kg gạo, được chừng 15 kg cơm cháy. Bán đi cũng lãi được 200 nghìn/ngày. Cũng ngay từ thời điểm ấy, tôi đã đăng ký thương hiệu cơm cháy ruốc Khải Hoa để nâng cao trách nhiệm về chính sản phẩm của mình"- anh Khải kể lại.
Tuy vậy, làm cơm cháy thủ công không chỉ đạt năng suất thấp mà còn bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm. Để phát triển nghề làm cơm cháy một cách chuyên nghiệp, tạo ra những sản phẩm cơm cháy hoàn hảo hơn, anh Khải nghĩ đến việc phải đầu tư một dây chuyền sản xuất. Vốn là dân kỹ thuật, nên không khó để anh nghĩ ra ý tưởng. Nhưng phải mất hàng năm, ý tưởng ấy mới khiến anh hài lòng. Sau đó, anh xuôi tàu vào miền Nam, gặp những người bạn học cũ- nay đã mở những xưởng cơ khí có tiếng để nhờ họ giúp đỡ thực hiện ý tưởng. Đến nay, anh Khải đã có một dây chuyền sản xuất cơm cháy hiện đại. Mỗi ngày, xưởng của anh cho ra lò hàng tấn cơm cháy để phục vụ cho thị trường trong tỉnh và một số tỉnh lân cận, giải quyết việc làm cho hơn 60 lao động địa phương.Ngoài bán cơm cháy, anh Khải còn làm mặt hàng cơm khô được thị trường đón nhận. Một trong những tiêu chí hàng đầu của cơm cháy khô Khải Hoa đó là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đưa thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng.Cơ sở sản xuất cơm cháy khô Khải Hoa sẵn sàng thu những hàng cận đát về tiêu hủy, những sản phẩm bị hỏng, vỡ trong quá trình vận chuyển đến các điểm phân phối đều được đổi lại. Đặc biệt, trong quá trình vận hành sản xuất, nhiều lần anh Khải đã nghiên cứu, đầu tư thay thế một số vật liệu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mặc dù vật liệu thay thế này có giá thành đắt gấp 5 lần vật liệu cũ.
Điều anh Khải trăn trở nhất hiện nay đó là vẫn có những sản phẩm cơm cháy kém chất lượng trà trộn vào thị trường, làm ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng. Hiện tại, trong tỉnh cũng đã thành lập được Hiệp hội cơm cháy Ninh Bình với mục tiêu những người làm nghề sẽ được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và cùng nhau bảo vệ thương hiệu cơm cháy Ninh Bình. Tin rằng, với sự đầu tư của tỉnh, sự hoạt động tích cực của các hội viên, đặc sản cơm cháy sẽ thực sự trở thành tinh hoa của ẩm thực Ninh Bình.
Để cơm cháy thực sự trở thành sự lựa chọn của du khách mỗi khi đến với Ninh Bình thì ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thì cơ sở sản xuất cơm cháy khô Khải Hoa cũng rất quan tâm đến việc quảng bá thương hiệu. Hiện tại, anh Khải đang bắt tay vào thực hiện kế hoạch xây dựng một trạm dừng ở khu du lịch như Tràng An, Bái Đính… "Trạm dừng không đơn giản chỉ là nơi trưng bày sản phẩm. Tôi sẽ đưa dây chuyển sản xuất cơm cháy đến hoạt động ở trạm dừng đó để các du khách có thể tận mắt chứng kiến quá trình làm cơm cháy. Tôi tin rằng, với việc tận mắt nhìn, thậm chí được tận tay làm những công đoạn đơn giản sẽ khiến du khách thích thú và an tâm hơn khi sử dụng món cơm cháy Ninh Bình"- anh Khải chia sẻ.
Đào Hằng