Trước đây, cũng như nhiều người tiêu dùng khác, bà Trịnh Thị Thao (Thành phố Tam Điệp) thường ra chợ để mua thực phẩm nên rất khó để nhận biết đâu là hàng đảm bảo chất lượng, bà Thao chia sẻ: Từ các loại rau, củ, quả đến thịt, cá, người tiêu dùng gần như lựa chọn theo thói quen và chỉ biết đặt niềm tin vào sự trung thực của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người bán hàng. Nay có cửa hàng nông sản an toàn Tam Điệp, chúng tôi đã có thêm 1 địa chỉ tin cậy để chăm lo cho bữa ăn của gia đình mình.
Được khai trương và đi vào hoạt động từ cuối năm 2017, cửa hàng nông sản an toàn Tam Điệp chuyên kinh doanh các loại rau, củ, quả an toàn, thực phẩm tươi sống, đặc sản trái cây nhiều vùng miền, được sản xuất từ các hộ nông dân, doanh nghiệp, HTX sản xuất rau, quả an toàn trong tỉnh và đã có thương hiệu trên thị trường như mắm tép Gia Viễn, bún bánh Yên Khánh,… Với mức giá hợp lý, chất lượng đảm bảo cửa hàng đã trở thành địa chỉ tin cậy được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Ông Đinh Hồng Thái, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Ngoài cửa hàng nông sản Tam Điệp thì trên địa bàn tỉnh hiện còn có 3 cửa hàng khác ở các huyện Hoa Lư, Yên Mô và thành phố Ninh Bình. Với mục tiêu đưa nông sản sạch đến với người tiêu dùng, các cấp hội Nông dân trong tỉnh đã và đang xây dựng chuỗi cửa hàng nông sản an toàn ở các huyện, thành phố.
Đây không chỉ là những địa chỉ cung ứng sản phẩm nông sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tin cậy cho người tiêu dùng, mà còn là nơi giao dịch, phát triển, mở rộng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản giữa Ninh Bình với các tỉnh trong khu vực góp phần nâng cao giá trị nông sản trong tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác bền vững.
Thời gian tới, Hội sẽ xây dựng thêm cửa hàng nông sản an toàn tại các huyện, thành phố khác trong tỉnh, thúc đẩy lộ trình thực hiện Đề án "Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn".
Ngoài chuỗi cửa hàng nông sản an toàn đang hình thành ngày càng nhiều ở các địa phương thì cũng đã có hơn 400 mô hình nông dân nói không với thực phẩm đang làm ăn hiệu quả. Trong đó phải kể đến Mô hình HTX nông sản an toàn gắn sản xuất, kinh doanh, chế biến các sản phẩm nông sản ở phường Bắc Sơn, Đông Sơn (thành phố Tam Điệp); mô hình Hợp tác xã chăn nuôi dê Ninh Bình (Ninh Giang, Hoa Lư); mô hình sản xuất rau an toàn của Hợp tác xã nông nghiệp Phúc Long (Yên Từ, Yên Mô)…
Đáng chú ý là các hộ nông dân tham gia mô hình được tập huấn kiến thức sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn được Hội Nông dân và cơ quan chức năng tư vấn, hướng dẫn thủ tục để công nhận đủ điều kiện ATTP, được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bao bì, đóng gói sản phẩm, công bố sản phẩm phù hợp quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ vay vốn. Các mô hình cấp tỉnh còn được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ một phần nguyên liệu, vật tư, máy móc.
Cùng với việc xây dựng các mô hình, Hội Nông dân các cấp đã vận động thành lập 9 Hợp tác xã và 66 Tổ hợp tác chuyên ngành sản xuất, cung cấp thực phẩm an toàn như: Tổ Hợp tác nuôi dê tại xã Ninh Hòa (Hoa Lư), HTX nuôi thủy sản tại xã Gia Vân (Gia Viễn), mô hình trồng rau an toàn tại các xã Khánh Hồng, Khánh Công (Yên Khánh), mô hình trồng rau an toàn tại xã Yên Từ, Yên Phong (Yên Mô)...
Được biết trước đó, ngay khi bắt tay triển khai Đề án, Hội Nông dân tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo, thành lập tổ công tác triển khai xây dựng các mô hình. Định kỳ hàng tháng họp đánh giá tiến độ triển khai, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án, Hội Nông dân các cấp đã tổ chức 1.740 buổi tuyên truyền về an toàn thực phẩm, vận động 124.583 hộ gia đình hội viên, nông dân ký cam kết "Nói không với thực phẩm bẩn".
Hội Nông dân tỉnh trực tiếp ký cam kết với 50 hộ nông dân, đại diện các HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp chế biến, kinh doanh thực phẩm nông sản quy mô lớn trên địa bàn tỉnh; xây dựng 10 mô hình điểm "Nói không với thực phẩm bẩn" phù hợp với đặc trưng của từng địa phương trong tỉnh trên các lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, nông sản an toàn để nhân rộng.
Bên cạnh đó, các cấp hội còn chú trọng tập huấn, hướng dẫn nông dân lựa chọn, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi có trong danh mục được phép sử dụng, cách thức bảo quản thực phẩm, phòng chống ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Tổ chức các lớp dạy nghề chăn nuôi, trồng rau an toàn cho hội viên nông dân và phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về sản xuất an toàn… giúp hội viên nông dân nâng cao kiến thức, trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong cộng đồng dân cư về sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn.
Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh cũng đã thành lập bộ phận tiếp nhận thông tin và công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của hội viên nông dân về những vi phạm của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm,…
Từ năm 2016 đến nay, tổ chức Hội đã tiếp nhận 62 tin báo và phối hợp các cơ quan chức năng kịp thời xử lý tin báo vi phạm về an toàn thực phẩm. Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức 5 cuộc giám sát, Hội Nông dân các huyện, thành phố đã tổ chức 14 cuộc giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp...
Đào Duy