Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh thực hiện tự in hóa đơn. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo công ty cho biết: Thực hiện Nghị định 51 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 153 của Bộ Tài chính về quy định hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình đã có văn bản gửi tới tất cả 8 đơn vị điện lực các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện tự in hóa đơn từ ngày 05/04/2011 và trang bị đầy đủ hệ thống thiết bị như: máy tính, máy in, phần mềm ứng dụng (bản quyền thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam). Trên cơ sở đó Công ty đã tự in 2 loại hóa đơn là tiền điện và tiền công suất phản kháng, với mỗi loại hóa đơn có ký và mã hiệu riêng. Là một doanh nghiệp có tới 250.000 khách hàng tương đương với việc Công ty phải in 250.000 hóa đơn mỗi tháng thì thực hiện tự in hóa đơn đã tạo ra nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp như: Công tác xin cấp phép hóa đơn đã giảm bớt được một số thủ tục và chủ động hơn trong việc in ấn và giải quyết được vấn đề thiếu hụt hóa đơn. Tuy nhiên, khi thực hiện việc tự in hóa đơn, Công ty đã gặp phải khó khăn về việc báo cáo thuế với cơ quan thuế. Hóa đơn đã sử dụng trong tháng trước và báo cáo đã sử dụng, nhưng phát hiện nhầm chỉ số điện, ghi sai thì theo quy định của ngành điện được phép sửa sai nhưng trong việc kê khai với ngành thuế lại không được chấp nhận.
Với Công ty cổ phần phân lân Ninh Bình, là một trong bốn doanh nghiệp sản xuất phân lân lớn nhất Việt Nam cùng số lượng khách hàng đông đảo thì việc tự chủ in hóa đơn đã mang lại nhiều tiện ích cho Công ty. Ông Dương Như Đức - Kế toán trưởng Công ty cho biết: Công ty đã sử dụng hóa đơn đặt in từ 1/4/2011 tại Công ty in Đường Sắt (Hà Nội). Qua quá trình đặt in hóa đơn đã tạo ra tính chủ động trong việc tạo lập và quản lý hóa đơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên qua việc thực hiện Quyết định 51 và Nghị định 153, Công ty cũng gặp phải khó khăn trong việc lưu trữ hóa đơn đầu vào của khách hàng. Vì mỗi khách hàng sử dụng hóa đơn có kích cỡ khác nhau, chất lượng hóa đơn không đảm bảo, nhiều hóa đơn để một thời gian đã bị mờ hoặc gần như một tờ giấy trắng. Mỗi năm Công ty phải đặt in từ 150-200 cuốn hóa đơn, với số lượng hóa đơn lớn như vậy thì việc tự đặt in sẽ đắt hơn mua hóa đơn của Bộ tài chính phát hành.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Vũ Thị Nụ , Phó Cục trưởng Cục Thuế Ninh Bình cho biết: Theo thống kê, đến thời điểm này có 83% số doanh nghiệp đã in hóa đơn hoặc đã có hợp đồng đặt in hóa đơn, còn 17% số doanh nghiệp chưa có biện pháp sử dụng hóa đơn trong đầu năm 2012 vì lý do các doanh nghiệp này thuộc diện chưa cần thiết dùng hóa đơn vào ngày 1/1/2012.
Để phấn đấu 100% số doanh nghiệp tự in hóa đơn và hiểu sâu rộng hơn nữa về việc sử dụng hóa đơn từ ngày 1/1/2012, Cục thuế đã ban hành hướng dẫn để doanh nghiệp hiểu rõ hơn về thông tư, nghị định, hướng dẫn để chủ động hơn trong việc lựa chọn hình thức sử dụng hóa đơn. Đồng thời, Cục Thuế đã công khai địa chỉ các đơn vị in, đơn vị làm phần mềm tự in hóa đơn có đủ điều kiện, có uy tín để các doanh nghiệp có sự lựa chọn phù hợp.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định 51 và Thông tư 153 vẫn không tránh khỏi những khó khăn, đặc biệt là từ các doanh nghiệp. Để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong lộ trình thực hiện việc tự chủ hóa đơn, về phía Cục thuế tỉnh sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến phản hồi từ phía doanh nghiệp để đưa ra những biện pháp giải quyết hợp lý.
Vấn đề Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình gặp phải, về phía Cục thuế cũng đã tìm hiểu và đưa ra cách giải quyết, bằng cách hướng dẫn Công ty bổ sung thêm vào phần mềm tự in hóa đơn của ngành điện lực một hóa đơn giảm trừ. Như vậy khi báo cáo với ngành thuế thì các hóa đơn sẽ được chấp nhận và khó khăn của Công ty sẽ được giải quyết triệt để. Từ sự hỗ trợ tích cực của Cục Thuế tỉnh, đến nay nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động nguồn hóa đơn phục vụ sản xuất, kinh doanh của mình.
Bài, ảnh: Hương Giang