Theo Nghị định 176, cá nhân hút thuốc lá ở nơi công cộng như: trong rạp hát, rạp chiếu phim, bệnh viện, thư viện, phòng đợi của nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng, trên các phương tiện giao thông công cộng, ở những nơi công cộng khác có quy định cấm hút thuốc sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng. Quy định là như vậy, nhưng trên thực tế, nhiều người vẫn "đốt thuốc" tại những điểm này mà không hề bị phạt.
Phòng chờ của bến xe, nhà ga là nơi cấm hút thuốc lá hoàn toàn. Thế nhưng, tại bến xe và nhà ga thành phố Ninh Bình, nhiều hành khách, tài xế vẫn thản nhiên hút thuốc, mặc cho các bảng cấm hút thuốc được treo rất nhiều trong khuôn viên của bến xe, nhà ga. Khi được hỏi, nhiều người biết rõ không được hút thuốc lá tại nơi công cộng, tuy nhiên vì nhiều lý do như: không có khu vực dành riêng cho người hút thuốc, không thấy bảo vệ nhắc nhở... nên họ cứ hút và hút liều.
Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trong khuôn viên sân vườn, các dãy ghế đá hay căng tin của Bệnh viện, thậm chí ngay chỗ chờ để đến lượt vào khám bệnh, vẫn có nhiều người vô tư hút thuốc, dù xung quanh có các bảng cấm hút thuốc lá và ghi rõ tác hại của nó. Một bảo vệ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói: "Chúng tôi tổ chức đi kiểm tra và nhắc nhở thường xuyên. Khi bị nhắc nhở, những người hút thuốc vứt bỏ thuốc, nhưng khi chúng tôi đi, họ lại tiếp tục hút. Do lực lượng bảo vệ ở Bệnh viện không nhiều nên không thể nhắc nhở hết tất cả mọi người".
Theo đồng chí Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, việc xử phạt hút thuốc lá rất nhạy cảm, người hút trong thời gian ngắn, bất chợt, bệnh viện không thể lập ra bộ phận đi theo dõi xử phạt hành vi này được. Ngoài ra không có chế tài quy định, nếu người dân không chấp hành việc xử phạt hành vi hút thuốc lá trong bệnh viện thì lãnh đạo bệnh viện có quyền xử phạt tiếp hay không? Đến thời điểm này, bệnh viện mới chỉ nhắc nhở còn chưa xử phạt được trường hợp nào. Và dường như đối với những người hút thuốc, họ không quan tâm nhiều đến những lệnh cấm hay lo lắng bị xử phạt do hút thuốc lá nơi công cộng.
Nguy hiểm hơn, tại nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh, nơi nghiêm cấm hút thuốc lá và các vật dụng dễ cháy nổ nhưng vẫn có người lái xe vừa đổ xăng vừa phì phèo thuốc lá. Chị Phí Thị Hà, nhân viên cửa hàng xăng dầu Nam Bình (thành phố Ninh Bình) cho biết: "Đối với những trường hợp hút thuốc lá tại cây xăng, chúng tôi nghiêm túc nhắc nhở, nhiều người hợp tác thì nhanh chóng dập đi, nhưng nhiều người đi ra phía ngoài một chút để tiếp tục hút trong thời gian chờ bơm xong xăng chứ nhất quyết không chịu vứt điếu thuốc đi. Thực sự đây là nỗi lo cho những người làm nghề dễ cháy nổ và độc hại như chúng tôi".
Qua tìm hiểu, được biết hiện nay, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại các bệnh viện, bến xe hoặc nơi công cộng khác trên địa bàn tỉnh mới chỉ dừng lại ở việc lắp đặt biển cấm hút thuốc, yêu cầu bảo vệ theo dõi, nhắc nhở, vì vậy, rất khó dẹp được tình trạng hút thuốc nơi công cộng. Theo đại diện Phòng Thanh tra - Sở Y tế, từ ngày Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Nghị định 176 có hiệu lực đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xử phạt được trường hợp nào hút thuốc tại nơi công cộng, mà mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở người hút thuốc về những vi phạm mà họ mắc phải.
Thực tế cho thấy, những năm qua, chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) đã nhận được sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị và người dân. Hiện nay, gần 100% các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã treo lắp các biển cấm hút thuốc, 100% bệnh viện trên địa bàn tỉnh cam kết xây dựng môi trường không khói thuốc lá. Thầy thuốc ưu tú Vũ Văn Cẩn, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Hiện nay, tất cả các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đều ký cam kết không hút thuốc lá tại nơi làm việc, nhắc nhở người nhà bệnh nhân không hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện. Đồng thời đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp như: Tuyên truyền, cung cấp thông tin về tác hại của việc hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động; tổ chức vận động, phát động tới từng khoa, phòng, các tổ chức quần chúng tham gia đăng ký không hút thuốc lá… Tuyên truyền tại các quầy dịch vụ, ăn uống, giải khát trong khuôn viên các bệnh viện chấm dứt việc cho hút thuốc lá và không buôn bán thuốc lá…"
Cũng theo đồng chí Phó Giám đốc Sở y tế Vũ Văn Cẩn: "Để ngăn chặn, tiến tới hạn chế thấp nhất việc hút thuốc lá, cần tiếp tục chú trọng đẩy mạnh truyền thông về tác hại của hút thuốc và hút thuốc thụ động; về Luật PCTHCTL và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của Luật PCTHCTL. Hằng năm, kiểm tra kế hoạch, quy chế nội bộ của cơ quan các ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị trực thuộc… về việc phòng, chống tác hại của hút thuốc lá. Các sở, ban, ngành, cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các địa điểm cấm hút thuốc; quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương... Mặt khác, phải tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật để tăng hiệu quả xử phạt, răn đe đối với hành vi hút thuốc nơi công cộng… Đặc biệt, điều quan trọng hơn cả là cần siết chặt việc kinh doanh, buôn bán thuốc lá tràn lan trên thị trường như hiện nay. Vì một khi việc buôn bán còn dễ dàng thì hành vi hút thuốc lá vẫn khó có khả năng được kiểm soát. Trọng tâm là phải cấm từ nhà máy sản xuất, từ đó chắc chắn tỷ lệ người hút thuốc lá sẽ giảm nhanh và bền vững".
Luật phòng-chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ ngày 1-5-2013. Tuy nhiên, để luật này đi vào cuộc sống thì vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại. Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 2784/BYT-KCB, ngày 16/5/2016 về việc tăng cường thực thi Luật Phòng-chống tác hại của thuốc lá gửi UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan truyền thông trên địa bàn thực hiện tuyên truyền các quy định của Luật Phòng-chống tác hại của thuốc lá. Tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo phổ biến nội dung của Luật Phòng-chống tác hại của thuốc lá; đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị; đưa quy định về việc hạn chế hoặc không hút thuốc trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định cấm hút thuốc tại các nơi làm việc, nhà hàng, trên các phương tiện giao thông công cộng và địa điểm theo quy định của Luật Phòng-chống tác hại của thuốc lá. Cùng với đó, UBND các tỉnh, thành phố cần tích cực chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương thực hiện hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá hàng năm…
Hạnh Chi