Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 468.578 người trong độ tuổi lao động. Trong đó, lao động không có việc làm là 33.929 người, lao động có nhu cầu học nghề là 35.897 người. Tuy nhiên, số lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo nghề chỉ chiếm 18,57%.
Xác định tầm quan trọng của công tác dạy nghề, tỉnh ta đã tổ chức hội nghị quán triệt Quyết định số 1956 ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 đến cán bộ chủ chốt trên địa bàn. Đồng thời, các huyện, thành phố đã tổ chức triển khai đến các đơn vị liên quan và các xã, phường, thị trấn.
Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của 760 doanh nghiệp lớn trên địa bàn và toàn bộ năng lực dạy nghề của 57 cơ sở dạy nghề. Đây chính là cơ sở quan trọng để xây dựng Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 của tỉnh.
Trong 2 năm (2010-2011), UBND tỉnh đã phân bổ 32 tỷ đồng kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia và kinh phí của Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề công lập của tỉnh và 25,48 tỷ đồng (trong đó, ngân sách Trung ương là 13,48 tỷ, địa phương là 12 tỷ) kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tỉnh cũng đang tập trung xây dựng Trường trung cấp nghề Nho Quan với nguồn kinh phí được phê duyệt là 75 tỷ đồng.
Hiện, Trung tâm dạy nghề Hoa Lư, Gia Viễn đang được tập trung xây dựng. Trung tâm dạy nghề Kim Sơn, thị xã Tam Điệp, Yên Mô được đầu tư mua sắm thiết bị dạy nghề. Trung tâm dạy nghề Yên Mô, Yên Khánh được đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Tỉnh cũng đã tổ chức bồi dưỡng sư phạm dạy nghề cho 176 giáo viên và người dạy nghề. Chất lượng các lớp dạy nghề ngày càng được nâng cao.
Với quyết tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác phối hợp tuyên truyền, triển khai, trong 2 năm (2010 - 2011), toàn tỉnh đã dạy nghề cho 16.259 lượt người theo chương trình của Đề án 1956. Trong đó, tập trung vào các nghề: May công nghiệp, xây dựng, điện tử, hàn cơ khí, móc sợi, đính hạt cườm, đan cói bèo bồng, thêu ren…
Nhờ đó, cơ cấu nghề đã có chuyển biến tích cực, số lượng lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp có xu hướng tăng dần. Tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt từ 70-80%, với mức thu nhập từ 700.000-3.000.000 đồng/người/tháng. Kết quả này còn góp phần tăng nhanh số lượng các làng nghề, từ 32 làng nghề (2009) lên 52 làng nghề như hiện nay.
Trong năm 2011, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 17.000 lao động, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 15,6% (năm 2010) xuống còn 9,86% (năm 2011) theo tiêu chí mới. ở một số nơi, nhất là ở các xã thí điểm, các mô hình dạy nghề đã góp phần hình thành nên mô hình sản xuất mới, với những nông dân đã qua đào tạo nghề là lực lượng nòng cốt. Và cũng có không ít lao động nông thôn sau học nghề đã trở thành chủ cơ sở sản xuất, dịch vụ.
Đáng lưu ý, việc dạy nghề theo các mô hình thí điểm trong 2 năm qua đã đạt được mục tiêu, đã chứng minh tính đúng đắn và hiệu quả của mô hình phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa "bốn nhà": Nhà nước (người đặt hàng, định hướng, giám sát) - Nhà trường cơ sở dạy nghề (người đào tạo) - Nhà doanh nghiệp (người sử dụng lao động nông thôn qua đào tạo nghề hoặc sử dụng sản phẩm của người nông dân) - Nhà nông (người học).
Theo thống kê, có trên 70 % học viên sau khi đào tạo có việc làm và biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất, kinh doanh tại địa phương, gia đình, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Những kết quả đạt được cho thấy, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở tỉnh ta đã đi đúng hướng, phấn đấu đạt mục tiêu bình quân mỗi năm tuyển sinh, đào tạo cho khoảng 17.000 lượt người. Từ đó đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đến năm 2015 đạt 40% và năm 2020 đạt 55%; giai đoạn 2011-2015 có 70-80% số lao động học nghề có việc làm hoặc tự tạo việc làm; giai đoạn 2015-2020 tỷ lệ này là 80-90%.
Nguyễn Hùng