Thực tiễn đặt ra yêu cầu cấp thiết
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều đơn vị hành chính cấp xã tại Ninh Bình đang đối mặt với những thách thức như: Quy mô nhỏ của nhiều đơn vị hành chính cấp xã dẫn đến sự phân tán nguồn lực về đất đai, hạ tầng cơ sở và dân số. Điều này gây khó khăn trong việc quy hoạch, tập trung mở rộng sản xuất và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Bên cạnh đó, việc duy trì một bộ máy hành chính đầy đủ tại các đơn vị nhỏ cũng tạo ra gánh nặng cho ngân sách nhà nước, từ chi phí hoạt động, xây dựng trụ sở đến mua sắm trang thiết bị.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính (ĐVHC) và văn bản hướng dẫn của Ban Chỉ đạo về tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đồng thời căn cứ từ thực tiễn tổ chức ĐVHC các cấp thời gian qua và kết quả tích cực của công tác sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh qua các giai đoạn 2019-2021, 2023-2025, để đáp ứng yêu cầu quản trị địa phương trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của đất nước, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng Đề án “Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Ninh Bình năm 2025”.
Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Ninh Bình năm 2025 được xây dựng nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập. Mục tiêu là sáp nhập các đơn vị để có quy mô hợp lý hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức và triển khai các chương trình, chính sách phát triển kinh tế-xã hội một cách hiệu quả. Quy mô lớn hơn giúp tập trung nguồn lực, thực hiện công tác quản lý nhà nước hiệu quả hơn, phù hợp với chiến lược phát triển từng khu vực. Các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp sẽ có tiềm năng lớn hơn để triển khai các dự án hạ tầng, giáo dục, y tế và các dịch vụ công thiết yếu khác, phục vụ người dân tốt hơn và đóng góp vào sự phát triển bền vững.
Theo Đề án, tỉnh Ninh Bình trước khi sắp xếp có 125 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 101 xã, 18 phường và 6 thị trấn. Sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã sẽ giảm mạnh, chỉ còn 39 đơn vị, gồm 8 phường và 31 xã; giảm 86 ĐVHC cấp xã, tỷ lệ giảm 68,8%, đảm bảo phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Trung ương về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Nhìn lại quá trình tổ chức đơn vị hành chính và những kết quả tích cực từ các giai đoạn sắp xếp trước đây (2019-2021, 2023- 2025), việc xây dựng và triển khai Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Ninh Bình năm 2025 là bước đi tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển, đáp ứng yêu cầu quản trị địa phương trong kỷ nguyên mới. Đây là cơ hội để Ninh Bình phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển, gắn kết chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đồng thời thúc đẩy phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.
Đồng thuận cao
Quá trình xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Ninh Bình đã nhận được sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Công tác tuyên truyền được chú trọng, tạo được sự thống nhất cao về nhận thức và sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Công tác lấy ý kiến Nhân dân (cử tri là đại diện hộ gia đình) về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Ninh Bình năm 2025 được thực hiện minh bạch, với tỷ lệ cử tri đồng ý rất cao, trung bình đạt 99,68%, trong đó có một số nơi đạt 100% cử tri đồng ý. HĐND cấp xã, cấp tỉnh, cấp huyện đã họp và đồng thuận rất cao với chủ trương này.
Tin tưởng và kỳ vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, anh Vũ Ngọc Đỉnh, phố Khánh Bình, phường Ninh Khánh, thành phố Hoa Lư cho biết: Tôi cũng như nhiều người dân ở khu phố hoàn toàn ủng hộ việc sáp nhập các xã, phường để mở rộng địa giới hành chính, từ đó tạo dư địa phát triển về kinh tếxã hội, người dân sẽ có tư duy đổi mới hơn, không còn bó hẹp trong không gian làng, xã trước kia nữa. Tôi mong muốn chính quyền địa phương cấp xã sau khi được sáp nhập sẽ phát huy vai trò để dẫn dắt, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sinh kế cho người dân, trước mắt là tạo điều kiện thuận lợi về giải quyết các thủ tục hành chính, bảo đảm liên thông, không bị tắc nghẽn khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Theo Đề án “Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Ninh Bình năm 2025”, việc sắp xếp không chỉ dừng lại ở việc sáp nhập địa giới hành chính mà còn đi kèm với phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và xử lý tài sản công một cách khoa học và hiệu quả. Đề án đã nêu rõ phương án thành lập các Đảng bộ cấp xã mới, sắp xếp trụ sở làm việc, tài sản công dôi dư theo lộ trình cụ thể từ năm 2025 đến năm 2029, ưu tiên tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có. Đồng thời, các chế độ, chính sách đặc thù đối với các đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù như xã nông thôn mới, xã An toàn khu, xã vùng dân tộc thiểu số vẫn tiếp tục được rà soát và áp dụng theo quy định.
Việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới cũng được thực hiện cẩn trọng, đảm bảo các nguyên tắc theo quy định và không trùng lặp với tên các đơn vị hành chính cấp xã khác trong phạm vi tỉnh và các tỉnh lân cận sau sắp xếp (Nam Định, Hà Nam).
Ông Lã Phú Nhuận, xã Yên Thịnh, Yên Mô cho biết: Qua việc triển khai lấy ý kiến Nhân dân về Đề án hợp nhất tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thành tỉnh Ninh Bình và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2025, đặc biệt là việc thành lập các xã của huyện Yên Mô trong tương lai, tôi nhận thấy đây là sự sắp xếp cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển mới.
Theo Đề án, thành lập xã Yên Mô trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thị trấn Yên Thịnh, xã Khánh Dương và xã Yên Hòa thuộc huyện Yên Mô. Sau sắp xếp xã Yên Mô có diện tích tự nhiên 28,60 km2 , quy mô dân số 35.415 người, trụ sở làm việc đặt tại thị trấn Yên Thịnh. Tôi tin rằng sự sắp xếp này sẽ tạo ra không gian và động lực mới cho sự phát triển chung. Trong không gian mới sau khi được thành lập, xã Yên Mô sẽ phát huy mạnh mẽ tiềm năng, thế mạnh của các địa phương cũ để cùng hướng tới mục tiêu chung xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Ngoài ra, tôi nhận thấy, theo Đề án, các địa phương khác trên địa bàn huyện cũng được sắp xếp và đặt tên như: xã Yên Từ, xã Đồng Thái, xã Yên Mạc cũng rất hợp lý. Với sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng với sự đồng thuận, thống nhất cao trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh khi triển khai lấy ý kiến Nhân dân về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2025, tin tưởng rằng việc sắp xếp ĐVHC cấp xã tại Ninh Bình sẽ thành công tốt đẹp, tạo đà vững chắc cho tỉnh phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới, thực sự là một bước ngoặt kiến tạo tương lai tươi sáng cho quê hương Cố đô.