Những triển vọng ban đầu
Là một trong hai đơn vị được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp & PTNT chọn làm điểm để xây dựng mô hình thâm canh lúa tổng hợp theo hướng VietGAP trong năm 2016 này, bà con xã viên HTX Đông Thôn, xã Yên Thái, huyện Yên Mô rất vui mừng, phấn khởi.
Đi thăm ruộng lúa trĩu bông đang sắp vào độ thu hoạch của gia đình chị Vũ Thị Bích, xóm 1, chị Bích cho biết: Theo khuyến cáo của cán bộ Sở Nông nghiệp & PTNT, đây là năm đầu tiên gia đình tôi sản xuất lúa theo hướng VietGAP. 8 sào lúa của gia đình so với những ruộng bên cạnh có sự khác biệt rõ rệt, không hề bị bạc lá, nhiều bông, bông đều và to hơn.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của chị Bích đó là những gì nhìn thấy ngay được, còn thực chất quy trình sản xuất lúa VietGAP này có rất nhiều những lợi ích đằng sau đó mà chỉ những người nông dân trực tiếp làm như chị mới biết.
Cụ thể như: Khi tham gia mô hình được hướng dẫn áp dụng các biện pháp thâm canh lúa tổng hợp sử dụng giống lúa có năng suất, chất lượng cao, gieo cấy tập trung, cấy mạ non, bón phân cân đối nên cây lúa cứng, ruộng thông thoáng. Mật độ sâu, tỷ lệ hại của các đối tượng sâu bệnh thấp hơn…, nhờ đó giảm số lần phun thuốc BVTV, giảm chi phí sản xuất.
Một nông dân khác tham gia mô hình phấn khởi nói: "Tôi thấy mô hình này tốt, rất hay, có lợi ích lớn cho nông dân. Nếu như mọi năm, 1 mẫu ruộng này gia đình đầu tư từ 8-9 triệu đồng để mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu.
Riêng vụ mùa năm 2016 này, nhờ giảm lượng giống và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật khác vào chăm sóc nên chi phí giảm từ 30- 40% so với sản xuất như trước đây. Hay nhất là giảm được việc phun thuốc, bớt ảnh hưởng đến sức khỏe, gạo ăn cũng yên tâm hơn".
Ông Phạm Văn Thận, Phó giám đốc HTX nông nghiệp Đông Thôn khẳng định: Việc xây dựng mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP đã giúp nông dân trong vùng biết cách quản lý đồng ruộng: Ghi chép nhật ký, sản xuất an toàn. Trước khi tham gia mô hình, bà con chưa biết cách sử dụng phân, thuốc đúng loại, đúng thời điểm.
Sau khi tham gia mô hình, bà con đã biết nên bón phân vào lúc nào và bón bao nhiêu cho phù hợp; sử dụng thuốc BVTV gì, vào thời điểm nào, thời gian cách ly ra sao.
Bên cạnh đó bà con cũng không vứt vỏ chai thuốc bừa bãi ngoài ruộng như trước nữa mà áp dụng kỹ thuật rửa bao gói thuốc BVTV đã qua sử dụng và thu gom đúng nơi quy định, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Chất lượng lúa gạo cũng nhờ đó được nâng lên, giá trị chắc chắn cũng cao hơn. Năm nay mô hình mới được triển khai trên diện tích 10 ha với hơn 300 hộ tham gia.
Tuy nhiên, sau khi thấy được hiệu quả của hình thức sản xuất mới này, nhiều nông dân trong và ngoài HTX mong muốn mô hình sớm được mở rộng để họ có điều kiện tham gia, tăng thu nhập.
Theo thống kê, đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, so sánh giữa ruộng mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP và ruộng cấy truyền thống thì ruộng mô hình đẻ nhánh tập trung và kết thúc đẻ nhánh sớm hơn so với ruộng cấy truyền thống, tỷ lệ bông hữu hiệu cao hơn so với ruộng cấy truyền thống là 6,5%. Mật độ sâu, tỷ lệ hại của các đối tượng sâu bệnh hại ở ruộng mô hình cũng thấp hơn.
Về hiệu quả kinh tế, ở ruộng mô hình chi phí giống, thuốc BVTV thấp hơn trong khi năng suất lại cao hơn nên hiệu quả kinh tế cao hơn ruộng cấy truyền thống gần 7 triệu đồng/ha.
Mặt khác, mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP giúp kiểm soát tốt các yếu tố gây ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc BVTV.
Đồng thời đem lại hiệu quả xã hội thiết thực, giúp cho cán bộ cơ sở và các hộ nông dân dần thay đổi nhận thức, thói quen, biết cách sản xuất các nông sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao trình độ thâm canh lúa.
Cần nhân rộng mô hình
Ninh Bình là một trong những tỉnh có vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của khu vực đồng bằng Bắc bộ. Hàng năm, diện tích gieo cấy lúa của tỉnh khoảng 80 nghìn ha.
Trong những năm qua, Ninh Bình đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm tập trung phát triển nông nghiệp như: Đề án sản xuất lúa cao sản để đảm bảo an ninh lương thực, Đề án sản xuất lúa chất lượng cao… Nhiều tiến bộ KHKT tiên tiến cũng được đưa vào áp dụng trong sản xuất nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác.
Tuy nhiên, sản xuất trồng trọt nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng gần đây đang bộc lộ một số tồn tại, yếu kém như: sản xuất thiếu tập trung, chi phí sản xuất cao, sản phẩm làm ra chưa có sức cạnh tranh trên thị trường, giá trị kinh tế thấp.
Nguyên nhân là do bà con nông dân còn xem nhẹ việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, một bộ phận còn lạm dụng phân bón vô cơ, nhất là đạm, không bón hoặc bón rất ít kali, sử dụng thuốc BVTV không đúng; chưa chú trọng đến vấn đề an toàn nông sản và bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là các biện pháp kỹ thuật theo hướng VietGAP.
Đây cũng chính là rào cản gây khó khăn cho việc liên kết giữa doanh nghiệp với các địa phương và người nông dân để tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa, nâng giá trị và hiệu quả kinh tế trong nông nghiệp.
Ông Vũ Khắc Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về các sản phẩm gạo ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, năm 2016, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã xây dựng mô hình thâm canh lúa tổng hợp theo hướng VietGAP tại 2 HTX là HTX Đồng Xuân Tiến, xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh và HTX Đông Thôn, xã Yên Thái, huyện Yên Mô với diện tích 40 ha/2 vụ và bước đầu mang lại nhiều tín hiệu khả quan.
Kết quả này sẽ là cơ sở để Chi cục tham mưu với Sở Nông nghiệp & PTNT triển khai nhân rộng sản xuất lúa VietGAP trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, hình thành những vùng sản xuất được ứng dụng nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật dựa trên cơ sở của hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI, kỹ thuật IPM…
Nâng cao nhận thức cho cán bộ cơ sở và các hộ nông dân, dần thay đổi quan điểm, nhận thức trong công tác chỉ đạo, điều hành của cán bộ địa phương theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững - an toàn - hiệu quả.
Từ đó đưa nông nghiệp Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững theo hướng tạo ra các sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh cao, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy công cuộc phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới n
Hà Phương