Các cơ sở sản xuất đầu ra chưa ổn định, mới chỉ tạo việc làm cho một số ít lao động, hiệu quả thấp. Thực tế đó đã đặt ra yêu cầu phải đẩy mạnh phát triển ngành CN-TTCN làm động lực thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Đảng bộ và chính quyền huyện Yên Mô đã nỗ lực tạo ra những "cú húych" về cơ chế, chính sách, với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Huyện đã xây dựng kế hoạch thu hút vốn đầu tư phát triển CN-TTCN trên địa bàn cho từng năm, bảo đảm các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào Yên Mô đều được hưởng các chính sách khuyến khích ưu đãi theo các quyết định của tỉnh. UBND huyện bổ sung một số giải pháp về đất đai, đào tạo nguồn nhân lực, các thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng... nhằm thu hút đầu tư để phát triển đa dạng các ngành nghề, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.
Mặt khác, do đặc điểm chất lượng nguồn nhân lực của huyện còn yếu, nên huyện xác định việc đào tạo và nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động có ý nghĩa quyết định. Vì vậy, hàng năm, Yên Mô đã thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động dưới nhiều hình thức, trong đó chú trọng hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp, gắn việc học nghề với thực tế sản xuất với mức hỗ trợ kinh phí là 10 triệu đồng/lớp.
Nhờ những chính sách khuyến khích kịp thời, đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập được 8 công ty cổ phần, 5 công ty TNHH, 62 doanh nghiệp tư nhân, 13 tổ hợp sản xuất và 17 hợp tác xã ngành nghề..., giải quyết việc làm thường xuyên cho 1.270 lao động và hàng chục nghìn lao động làm theo thời vụ. Giá trị sản xuất CN-TTCN năm 2008 đạt 84,24 tỷ đồng, riêng 7 tháng đầu năm nay đạt trên 66,2 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ.
Điểm đáng chú ý trong phát triển CN-TTCN của huyện là đã bước đầu khai thác có hiệu quả tiềm năng của địa phương để phát triển những ngành nghề có thế mạnh như sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu và các làng nghề truyền thống. Đến nay, Yên Mô đã hình thành được Cụm công nghiệp Mai Sơn, thu hút các doanh nghiệp vào hoạt động ổn định, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khả quan.
Bên cạnh đó, huyện còn quy hoạch xây dựng 9 điểm công nghiệp tại các xã, thị trấn với quy mô từ 3-20 ha. Nhiều đơn vị, cơ sở sản xuất, nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đã nhận thức được tầm quan trọng trong chiến lược sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng nhà xưởng, nâng cao tay nghề của người lao động, làm ra những sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng khắt khe đối với hàng xuất khẩu.
Ông Đoàn Ngọc Sơn, Giám đốc Doanh nghiệp chế biến cói xuất khẩu Thành Sơn cho biết: "Doanh nghiệp Thành Sơn được thành lập từ năm 2002 từ quy mô hộ gia đình, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng tiểu thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Huyện đã tạo điều kiện cho đơn vị có mặt bằng, được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động... Đến nay, hoạt động đơn vị đã ổn định, doanh thu năm 2008 đạt trên 2,8 tỷ đồng, năm 2009 ước đạt trên 4 tỷ đồng. Ngoài ra, Doanh nghiệp còn tạo công ăn việc làm cho 12 lao động thường xuyên và 1.400 lao động thời vụ".
Đồng chí Phạm Văn Hoa, Trưởng phòng Công thương huyện cho biết: Từ khi tái lập đến nay nhờ những chính sách cụ thể, thiết thực và sự cố gắng đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp nên nhiều ngành nghề CN-TTCN ở địa phương không những được duy trì, phát triển ổn định mà còn tạo bước chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, các ngành nghề khu vực nông thôn của huyện phát triển chưa thực sự đồng đều, sản xuất vẫn mang tính nhỏ lẻ. Cơ sở hạ tầng trong các cụm, điểm công nghiệp triển khai còn chậm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút đầu tư.
Để đưa CN-TTCN phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, Yên Mô sẽ thực hiện nhiều giải pháp cụ thể nhằm khuyến khích các doanh nghiệp huy động vốn mở rộng sản xuất, tích cực tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ... Tăng cường tổ chức đào tạo nghề cho người lao động, vận động các doanh nghiệp tiếp tục đổi mới công nghệ, mở rộng dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với giữ gìn vệ sinh môi trường.
Phát triển CN-TTCN ở Yên Mô đã có những chuyển động đáng mừng với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2010 ước đạt 20%/năm. Tin rằng, vùng đất từng nhiều năm là lá cờ đầu trong sản xuất, chiến đấu này sẽ từng bước bắt nhịp với công cuộc đổi mới của quê hương, đất nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Bài, ảnh: Quốc Khang