6 tháng đầu năm, tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 3.265 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2008 và đạt 43,5% kế hoạch năm. Trong đó, khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 1.060,7 tỷ đồng; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt 1.760,7 tỷ đồng; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 117,2 tỷ đồng và tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 87,269 triệu USD, tăng 97,9% so với cùng kỳ. Ngành công nghiệp chế biến tiếp tục tăng trưởng mạnh, khẳng định vị thế chủ lực trong cơ cấu sản xuất công nghiệp của tỉnh với giá trị đạt 2.950 tỷ đồng.
Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực của địa phương vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước như xi măng và clinker đạt 1.700,6 nghìn tấn, tăng 41%; sắt tròn phi 8 trở xuống đạt 28.777 tấn, tăng 44,5%; quả và hạt chế biến đạt 370,5 tấn, tăng gấp 12,6 lần, áo khoác và áo jăcket người lớn đạt 364,4 nghìn chiếc, tăng 8,4%...
Theo đồng chí Phạm Thị Hồng, Giám đốc Sở Công thương, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn nhưng sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn có sự tăng trưởng mạnh là do sự tác động mạnh của nhiều cơ chế chính sách mà tỉnh áp dụng đối với ngành Công nghiệp. Đầu tiên là do hệ quả của những chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư trong thời gian qua đã thu hút được những nhà đầu tư có năng lực, nhiều dự án đầu tư đã đi vào sản xuất và có sản phẩm như Nhà máy xi măng Duyên Hà, xi măng Hướng Dương, Công ty may Đài Loan…
Nhiều lĩnh vực có thế mạnh của Ninh Bình được chú trọng đầu tư phát triển, trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực như sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản xuất khẩu, dệt may… đem lại giá trị kinh tế cao. Trong đó phải kể đến những dự án công nghiệp có mức đầu tư lớn đang được tích cực triển khai xây dựng như: dự án nhà máy sản xuất phân đạm UREA từ than cám, dây chuyền 2 các nhà máy xi măng Duyên Hà, The Vissai, Hướng Dương... góp phần đưa Ninh Bình từ một tỉnh thuần nông trở thành một tỉnh có ngành công nghiệp bước đầu phát triển thuộc vào tốp trung bình khá của cả nước.
Cùng với nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài vào ngành Công nghiệp Ninh Bình ngày càng tăng, "nội lực" của địa phương cũng được phát huy mạnh mẽ. Từ đầu năm đến nay, Ninh Bình đã cấp đăng ký kinh doanh mới cho 272 doanh nghiệp và việc thành lập mới các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo được bước phát triển nhanh so với những năm trước.
Một điểm đáng ghi nhận nữa chính là những nỗ lực chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc triển khai thực hiện các nhóm giải pháp theo tinh thần Nghị quyết 30/2008/NQ-CP của Chính phủ nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, kích cầu tiêu dùng. Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nông, lâm, ngư nghiệp và các ngành dịch vụ hỗ trợ cho ngành công nghiệp chế biến. Việc cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh theo lãi suất ưu đãi của Chính phủ được các ngân hàng triển khai tích cực. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, nhanh chóng phục hồi sản xuất, đóng góp tích cực vào kết quả sản xuất công nghiệp chung của toàn tỉnh.
Trên thực tế, mặc dù trong những tháng qua, ngành Công nghiệp duy trì được mức tăng trưởng ổn định song để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới còn gặp nhiều khó khăn, ngành Công thương cần tập trung chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp tận dụng triệt để các chính sách hỗ trợ của Nhà nước hiện nay như cho vay hỗ trợ lãi suất, cho vay để giải quyết lao động thất nghiệp, mở rộng đối tượng cho vay đầu tư trung và dài hạn theo diện hỗ trợ lãi suất, thực hiện đồng bộ các giải pháp kích cầu đầu tư - tiêu dùng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thu lệ phí trước bạ… trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ.
Thực hiện có hiệu quả Quyết định 181 của UBND tỉnh về ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 30 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời tham mưu với UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã để thu hút đầu tư phát triển.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp và ngành nghề nông thôn gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu trong công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, khai thác tối đa thị trường trong nước đi đôi với mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng chủ lực có thế mạnh.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2009, nhiệm vụ đặt ra đối với hoạt động sản xuất công nghiệp còn rất nặng nề, song với nỗ lực cao của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp, Ninh Bình sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2009 và các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.
Quốc Khang - Phạm Trường