Nhu cầu XKLĐ vẫn rất lớn
Nghe thông tin có buổi tuyên truyền về XKLĐ do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức tại xã Lưu Phương (huyện Kim Sơn), anh Phạm Văn Kha, xã Kim Tân có mặt từ rất sớm. Anh Kha là bộ đội xuất ngũ. Trở về địa phương, anh Kha quyết định tìm hiểu thị trường lao động để đi xuất khẩu. "Mong muốn lớn nhất của tôi là được đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Tôi sẽ cố gắng tích cóp một khoản tiền để lập nghiệp, đồng thời với những kỹ năng nghề được tích lũy bên nước bạn, tôi sẽ dễ dàng để tìm một việc làm phù hợp sau này. Khi đến đây, được ngành chức năng giới thiệu nhiều về những chính sách ưu đãi của tỉnh đối với lao động đi xuất khẩu, tôi rất phấn khởi. Tôi đã nắm bắt được nhiều thông tin về Đề án số 12 của tỉnh như: Điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người lao động khi tham gia XKLĐ; chính sách hỗ trợ vay vốn XKLĐ; tư vấn một số thị trường XKLĐ… Mặc dù thời điểm này chưa thể xuất cảnh, xong đây cũng là khoảng thời gian "vàng" để tôi trau dồi ngoại ngữ, kiến thức tham gia vào thị trường lao động chất lượng cao"- anh Kha nói.
Bác Đặng Kim Hạnh, trưởng phố Phú Vinh, thị trấn Phát Diệm cũng rất chăm chú lắng nghe những nội dung tuyên truyền của ngành chức năng. Bác Kha cho biết, ở phố Phú Vinh, ngày càng có nhiều thanh niên lựa chọn con đường đi XKLĐ. Đến nay, toàn phố có trên 10 người đang làm việc tại nước ngoài. Tuy nhiên, đa số vẫn do người lao động tự tìm "kênh" để xuất khẩu, tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Bởi vậy, với những đợt tuyên truyền của ngành chức năng như thế này sẽ góp phần đưa thông tin về tận cơ sở, đến mỗi người dân. Với trách nhiệm của trưởng khu phố, tôi sẽ lĩnh hội những thông tin quan trọng nhất trong Đề án số 12 của tỉnh về đẩy mạnh công tác XKLĐ để tuyên truyền đến từng hộ dân.
Kim Sơn là huyện có sự chuyển biến rõ rệt trong công tác XKLĐ. Năm 2019, toàn huyện có 237 lao động đi xuất khẩu, vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Ông Bùi Sĩ Năng, Phó Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Kim Sơn cho biết, bước vào năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nên công tác XKLĐ của huyện tạm thời chững lại. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 62 người xuất cảnh, trong đó tập trung chủ yếu ở tháng 1. Tuy nhiên, lượng lao động tìm hiểu và nộp hồ sơ đi XKLĐ vẫn rất dồi dào. Chúng tôi sẽ tranh thủ những buổi tư vấn, tuyên truyền của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tiếp nhận doanh nghiệp về tuyên truyền… để người dân hiểu đúng về công tác XKLĐ, từ đó lựa chọn cho mình một thị trường phù hợp với điều kiện kinh tế, trình độ của bản thân.
Bước chuẩn bị cần thiết
Trong giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh có 6.252 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Riêng năm 2019, có 1.589 người đi xuất khẩu, vượt chỉ tiêu kế hoạch giao. Hàng năm, lượng kiều hối do lao động gửi về đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống cho rất nhiều hộ gia đình. Do vậy, trong mục tiêu giải quyết việc làm của tỉnh, hoạt động đưa người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài luôn được quan tâm và xác định là chỉ tiêu "cứng".
Tuy nhiên, trong thời điểm nhiều nước trên thế giới vẫn còn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, công tác XKLĐ ở nước ta cũng phải tạm dừng "giao dịch" ở nhiều thị trường truyền thống. Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, thời điểm này tuy khó khăn để lao động xuất cảnh song lại là "giai đoạn vàng" để tạo nguồn lao động. Trong khoảng thời gian này, người lao động có đủ điều kiện để chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi các thị trường lao động khơi thông trở lại. Bởi theo tính toán, mỗi lao động khi muốn tham gia vào các thị trường lao động chất lượng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đều phải qua quá trình đào tạo hơn 6 tháng. Đây là thời điểm các địa phương cần tích cực vào cuộc để tuyên truyền, đồng thời hướng dẫn người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu chủ động học nghề, ngoại ngữ để sẵn sàng tham dự các cuộc thi và trúng tuyển vào đơn hàng đòi hỏi chất lượng cao.
Cùng với nỗ lực của ngành chức năng và các doanh nghiệp, cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng còn nhiều việc phải làm để đưa các chính sách của tỉnh về XKLĐ vào cuộc sống. Thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đến hoạt động XKLĐ. Năm 2019, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã thực hiện cuộc khảo sát đối với 32 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh về nắm bắt thông tin XKLĐ. Kết quả cho thấy, còn rất nhiều người dân ở các địa phương này chưa nắm được những chính sách ưu đãi, nhất là chính sách về tín dụng để đi XKLĐ. Đây là đáp án cho câu hỏi vì sao vẫn chưa có nhiều lao động tiếp cận với nguồn vốn vay XKLĐ.
Ông Lê Đức Mạnh, Trưởng phòng Lao động-Việc làm BHTN, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Một trong những yếu tố khiến người lao động đắn đo trước khi quyết định đi XKLĐ đó chính là vấn đề tài chính. Nhiều người gặp khó khi phải bỏ ra một khoản tiền không ít để có thể tham gia vào thị trường lao động chất lượng cao. Nhưng trên thực tế, dù Đề án số 12 của tỉnh đã triển khai được 3 năm, song lượng lao động tiếp cận nguồn vốn vay còn rất ít, chưa tương xứng với tình hình thực tiễn. Do không nắm bắt được các thông tin quan trọng của Đề án, nhiều lao động phải chật vật đi tìm "kênh" tín dụng khác để vay vốn. Trong khi đó, nếu vay vốn theo chính sách ưu đãi trong Đề án số 12, không chỉ được vay vốn với lãi suất thấp, mà mọi vấn đề về việc làm, thu nhập, an ninh… của người lao động khi đi xuất khẩu còn được ràng buộc chặt chẽ với trách nhiệm của doanh nghiệp thực hiện đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nói một cách khác, tương lai của người lao động cũng sẽ được đảm bảo hơn. Chính vì vậy, thời gian tới công tác tuyên truyền về chính sách ưu đãi của tỉnh đối với XKLĐ cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa, giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn vay dễ dàng.
Đào Hằng