Công ty TNHH Thép KYOEI (thành phố Tam Điệp) là đơn vị tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động. Bởi vậy, công tác tuyên truyền để mỗi người lao động nâng cao kiến thức, ý thức để chấp hành nghiêm những quy định nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn trong lao động luôn được Công ty chú trọng. Những biển cảnh báo, những khẩu hiệu, những tấm panô với những thông điệp ngắn gọn về an toàn lao động được đặt ở những nơi dễ nhìn, tạo hiệu ứng tốt.
Hàng ngày, anh Đinh Văn Tân, Trưởng Ban An toàn lao động của Công ty cùng gần 20 thành viên trong Ban chia thành từng đội, tích cực đi kiểm tra, giám sát kết hợp với tuyên truyền, nhắc nhở người lao động mặc đầy đủ các trang bị bảo hộ lao động, cảnh báo những vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đồng thời, tham mưu cho Ban giám đốc đầu tư, sửa chữa, nâng cấp những hạng mục, những thiết bị lạc hậu, mất an toàn hoặc cần cải tiến. Những kiến nghị ấy luôn được Ban Giám đốc đưa ra hướng xử lý kịp thời, hiệu quả.
Đưa chúng tôi đi tham quan dây chuyền sản xuất mới được nâng cấp, anh Đinh Văn Tân cho biết: Với công nghệ cũ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người lao động trong quá trình làm nhiệm vụ, đã có những người lao động bị rách tay khi vận hành dây chuyền này. Thấy rõ được nguy cơ mất an toàn, chúng tôi kiến nghị lên Ban Giám đốc. Sau khi kiểm tra thực tế, nghiên cứu phương án xử lý, Công ty đã quyết định đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp hệ thống dây chuyền cán thép, cải tiến đến 30% dây chuyền sản xuất. Bên cạnh đó, giàn cẩu cũng được thay từ móc thủ công bằng hệ thống từ tự động, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động.
Anh Vũ Công Duy, bộ phận quản lý sản xuất của Công ty cho biết, Phân xưởng tôi có 20 người. Những năm qua, Công ty quan tâm cải thiện, trang bị đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ cho người lao động. Những trang bị nhỏ như xà cạp tay, xà cạp chân… với chi phí không nhiều nhưng đã có tác dụng rất lớn trong đảm bảo an toàn cho người lao động. Chúng tôi cũng luôn nhắc nhở nhau phải tuân thủ nghiêm ngặt, chấp hành nội quy chính là đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tính mạng của chính bản thân mình.
Ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc nhân sự, Công ty TNHH Thép KYOEI cho biết, Trong Tháng hành động về ATVSLĐ năm nay, đơn vị cũng chủ động lên kế hoạch duy trì thực hiện các hoạt động an toàn lao động như: Tự kiểm tra an toàn lao động, tổng hợp theo quý; duy tu, bảo dưỡng, thay thế các trang thiết bị PCCN đảm bảo đạt chuẩn; định kỳ giám sát chất lượng môi trường lao động, báo cáo cơ quan có thẩm quyền; định kỳ khám sức khỏe cho người lao động; tuyền truyền, phổ biến kiến thức về an toàn lao động và nội quy an toàn lao động đối với các lao động mới được tuyển dụng…
Bên cạnh đó, thông qua các lớp tập huấn, các cơ quan chuyên môn còn tích cực hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp về việc xác định, lựa chọn công nghệ, máy móc thiết bị phù hợp với công việc theo tiêu chuẩn đảm bảo an toàn lao động.
Cùng với ý thức chủ động của các doanh nghiệp, thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ đã được thực hiện với sự phối hợp tích cực giữa các ngành chức năng. Trong Tháng hành động ATVSLĐ năm 2019, Ban Chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ tỉnh thành lập 2 đoàn kiểm tra về việc thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động tại 20 doanh nghiệp có nguy cơ cao về tai nạn lao động. Các sở, ban, ngành, đoàn thể và các huyện, thành phố đã tổ chức 65 cuộc kiểm tra tại các đơn vị trực thuộc.
Bên cạnh đó, hướng dẫn các đơn vị doanh nghiệp tự kiểm tra để phát hiện các nguy cơ rủi ro và xây dựng phương án giảm thiểu, rà soát bổ sung các nội quy, quy trình làm việc an toàn để kịp thời hoàn thiện, bổ sung.
Mặc dù có những chuyển biến tích cực cả về kiến thức, nhận thức và mức độ đầu tư của doanh nghiệp đối với công tác ATVSLĐ. Song, trên thực tế việc đảm bảo ATVSLĐ trong các đơn vị sản xuất ở tỉnh ta vẫn còn nhiều việc phải làm. Theo thống kê, trong năm 2019, mặc dù số vụ tai nạn lao động có giảm nhưng vẫn còn để xảy ra 14 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm 14 người bị chết. Trong đó, 9 nạn nhân thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; 5 nạn nhân thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Đồng chí Nguyễn Quang Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tháng hành động ATVSLĐ của tỉnh cho biết: Trước số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng này đòi hỏi công tác đảm bảo ATVSLĐ cần phải thực hiện quyết liệt và không được phép chủ quan trong thời gian tới.
Đặc biệt, không chỉ dừng lại ở giải pháp tuyên truyền, với vai trò là cơ quan thường trực trong công tác ATVSLĐ, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra liên ngành về ATVSLĐ, chú trọng nâng cao chất lượng các buổi thanh tra này. Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành cũng sẵn sàng xử phạt hành chính, thậm chí là kiến nghị ngừng hoạt động những đơn vị vi phạm nghiêm trọng về ATVSLĐ…
Ngay trong Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020 này, Ban chỉ đạo Tháng hành động về VSATLĐ tỉnh cũng sẽ tập trung kiểm tra các doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động. Việc kiểm tra sẽ đảm bảo theo đúng các yêu cầu trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Mục đích là sau các đợt thanh tra, kiểm tra, các đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tổng hợp, đánh giá, khái quát vấn đề để chấn chỉnh, nhắc nhở chung cho các cơ sở, đơn vị có cùng đặc điểm, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rút kinh nghiệm chung theo chuyên đề.
Các đoàn kiểm tra cũng sẽ yêu cầu các đơn vị thực hiện các kiến nghị để nâng cao hơn nữa công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong các đơn vị, tập trung vào một số nội dung: thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động; chấn chỉnh công tác quản lý, kỹ thuật an toàn… Cùng với biện pháp tuyên truyền, tư vấn, Đoàn kiểm tra kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm, gây hậu quả tới sức khỏe người lao động.
Đào Hằng