Kết nối nguồn lực Chúng tôi về Phú Sơn- một trong 12 xã của huyện Nho Quan được "xếp" vào diện đặc thù theo Quyết định 140 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cảm nhận rõ những đổi thay của vùng quê này.
Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Anh Văn phấn khởi "khoe": Nhờ có sự tác động tích cực từ Quyết định 140 mà hiện nay Phú Sơn như một công trường lớn với nhiều công trình đang được khẩn trương thi công, đó là: Khu trường mầm non "mới tinh" của xã đang thi công phần móng, tổng kinh phí công trình khoảng 14 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam chi nhánh Ninh Bình (đơn vị phụ trách xã theo Quyết định 140) hỗ trợ 10 tỷ đồng, phấn đấu hoàn thành trong năm 2017; nhà văn hóa thôn 1 có tổng giá trị khoảng 500 triệu đồng do Công ty TNHH một thành viên xây dựng Xuân Sơn (doanh nghiệp kết nghĩa) hỗ trợ.
Cùng với 2 công trình lớn đang được triển khai thì những công trình nhỏ như: một số tuyến đường giao thông liên thôn, đường nội đồng... cũng đã và đang được hoàn thiện.
Câu chuyện về sự kết nối nguồn lực của Quyết định 140 được đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Phú Sơn dẫn chứng nữa, đó là việc các đơn vị phụ trách, doanh nghiệp kết nghĩa và cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương cùng chung tay xây dựng ngôi nhà tình nghĩa cho bà Đinh Thị Viện, là vợ của liệt sĩ Phạm Văn Tước. Bí thư Nguyễn Anh Văn tâm sự: Hoàn cảnh của bà Viện rất khó khăn, tuy tuổi đã già (86 tuổi) nhưng vẫn phải nuôi người con gái 53 tuổi "không thật tính".
Ngôi nhà mà 2 mẹ con ở đã xuống cấp từ lâu mà vẫn không có điều kiện tu sửa. Vì vậy, khi địa phương đặt vấn đề nâng cấp ngôi nhà cho gia đình bà Đinh Thị Viện, không một chút do dự, các đồng chí lãnh đạo Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam chi nhánh Ninh Bình và Công ty TNHH xây dựng Xuân Sơn đã quyết định hỗ trợ gia đình 120 triệu đồng để xây nhà mới. Sau đó, UBND huyện Nho Quan cũng đã trích từ Quỹ Vì người nghèo của huyện 50 triệu đồng để hỗ trợ thêm cho gia đình.
Trước sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương, nhiều người dân ở thôn nơi bà Viện sinh sống và một số doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn của xã cũng đã tích cực hỗ trợ ngày công, tiền của làm con đường nối từ trục thôn vào cổng gia đình (dài 96m, rộng 3m) để tạo thuận tiện cho 2 mẹ con đi lại với tổng kinh phí khoảng 50 triệu đồng.
Ngày khánh thành nhà tình nghĩa, các tổ chức lại tiếp tục giúp đỡ gia đình các đồ dùng sinh hoạt như giường, bếp ga, quạt, ấm chén... "Những điều này là nằm ngoài sức tưởng tượng của gia đình và tôi tin chắc rằng các doanh nghiệp kết nghĩa, đơn vị phụ trách cũng cảm thấy vui hơn rất nhiều bởi sự giúp đỡ của họ đã thực sự có sức lan tỏa, nhân lên những nghĩa cử cao đẹp, tri ân người có công và hành động vì cuộc sống cộng đồng"- Đồng chí Nguyễn Anh Văn khẳng định.
Cũng như Phú Sơn, 54 xã đặc thù còn lại đều có đặc điểm tự nhiên, kinh tế- xã hội khác nhau, nhưng điểm chung đó là đều có khó khăn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới. Nếu chỉ dựa vào nội lực của mỗi địa phương thì hành trình vươn lên của các xã đặc thù sẽ gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Do vậy, Quyết định 140 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được ban hành đã và đang kết nối các nguồn lực cùng "chung tay" xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình triển khai Quyết định 140, toàn tỉnh đã vận động thêm 6 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp tham gia hỗ trợ các xã đặc thù lên 61 đơn vị.
Sự kết nối nguồn lực mà Quyết định 140 đã làm được không chỉ dừng lại ở giá trị vật chất, mà điều quan trọng hơn cả là thông qua cách thức thực hiện, các đơn vị phụ trách, các doanh nghiệp kết nghĩa cũng đã tạo dựng được những giá trị nhân văn, tô thắm thêm truyền thống "lá lành đùm lá rách" của dân tộc.
Tạo sức bật mới
Thực hiện Quyết định 140, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động phối hợp với xã và doanh nghiệp kết nghĩa khảo sát, nắm chắc tình hình, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế- xã hội, an ninh trật tự…
Trên cơ sở đó thống nhất xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ công việc trọng tâm cần tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ xã trong từng tháng, quý của năm 2016 và những năm tiếp theo.
Đặc biệt, để tạo sức bật mới cho các xã đặc thù, các cơ quan, đơn vị phụ trách đã tích cực nghiên cứu, có những việc làm cụ thể và đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, thể hiện rõ vai trò tư vấn, hướng dẫn và giúp đỡ như: Hướng dẫn công tác chuẩn bị sinh hoạt theo chuyên đề của các chi bộ thôn, xóm; bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận và nhân rộng mô hình "dân vận khéo"; tư vấn thực hiện mô hình trồng rau an toàn, mô hình lúa-cá, trang trại, gia trại; tư vấn về chuyển đổi cây trồng, con nuôi, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm…
Thực hiện sự phân công của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhiều doanh nghiệp đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị phụ trách và xã đặc thù để khảo sát nắm tình hình, đồng thời căn cứ vào điều kiện khả năng của doanh nghiệp để tư vấn giúp đỡ như: hỗ trợ kinh phí làm đường giao thông nông thôn; sửa chữa nâng cấp trụ sở xã; xây dựng nhà tình nghĩa; nhà văn hóa thôn, xóm, xây chợ, trường học; liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm; đào tạo nghề, ưu tiên giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương...
Tiêu biểu trong hoạt động này là Tập đoàn kinh tế Xuân Thành đã hỗ trợ xã Ninh Nhất (thành phố Ninh Bình)200 tấn xi măng và hỗ trợ xã Khánh Hồng (huyện Yên Khánh) 100 triệu đồng; Công ty TNHH xây dựng và đầu tư Xuân Hòa hỗ trợ xã Thạch Bình (Nho Quan) 500 triệu đồng; Doanh nghiệp tư nhân Trường Lộc hỗ trợ xã Ninh Xuân (Hoa Lư) 200 triệu đồng và tặng 50 chiếc xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở xã Chính Tâm (Kim Sơn)...
Với phương châm "xã là chính, tỉnh là quan trọng, doanh nghiệp là cần thiết", các xã đặc thù cũng đã tích cực tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa cũng như chủ trương của Ban thường vụ Tỉnh ủy trong thực hiện Quyết định 140.
Từ đó, tạo được sự hưởng ứng, đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của cơ quan phụ trách, doanh nghiệp kết nghĩa, từng bước thay đổi tư duy, có cách nghĩ, cách làm mới để khơi dậy tiềm năng, phát huy nội lực, phát triển kinh tế -xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Hồng (Yên Khánh) tâm đắc: Thực hiện Quyết định 140, Khánh Hồng là 1 trong 55 xã đặc thù của tỉnh được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp quan tâm đầu tư nhiều mặt. Với thuận lợi căn bản đó, Đảng bộ xã xác định phải chủ động khơi dậy tiềm năng đất đai và nội lực sẵn có để tập trung xây dựng nông thôn mới.
Trong quy hoạch sản xuất nông nghiệp, xã đã tích cực nâng cao vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở; tăng cường áp dụng tiến bộ KHKT vào thực tiễn; gắn kết các mô hình sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn trong sản xuất, kinh doanh; tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường... Nhờ đó đã tạo được bước chuyển tích cực trong đời sống kinh tế cũng như nếp sống văn minh nông thôn.
Hiện nay, Khánh Hồng đã đạt 16/19 tiêu chí, 3 tiêu chí còn lại là cơ sở vật chất văn hóa, chợ, và giao thông dự kiến hoàn thành trong tháng 10, phấn đấu đến cuối năm nay xã sẽ cán đích nông thôn mới.
Sau 6 tháng triển khai Quyết định 140, các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp đã có những hỗ trợ ban đầu thiết thực, hiệu quả. Đến nay, các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp đã hỗ trợ các xã đặc thù: Tổng giá trị trên 6 tỷ đồng.
Với sự trợ giúp tích cực từ cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp, các xã đặc thù đã có đổi thay đáng kể trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Hiện nay, nhiều xã đã đạt 14-15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới như xã Gia Tiến, Gia Hưng (Gia Viễn), một số xã đã cơ bản đạt 19 tiêu chí, phấn đấu về đích trong năm 2016 như xã Khánh Hồng, Gia Hưng, Ninh Xuân...
Bài, ảnh: Mai Lan - Thế Minh