Kỳ 1: Quyết sách hợp lòng dân
Tháo gỡ khó khăn cho cơ sở
Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy nghiên cứu chủ trương phân công các cơ quan chuyên môn của tỉnh về giúp các xã còn khó khăn và động viên các doanh nghiệp kết nghĩa để tạo thêm điều kiện, giúp các xã này vươn lên. Để thực hiện chủ trương này, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã làm việc với các huyện, thành phố xây dựng tiêu chí, lựa chọn chặt chẽ từ các địa phương tổng hợp lên. Tính chất đặc thù được xác định trên nhiều lĩnh vực, từ phát triển kinh tế-xã hội đến việc tăng cường quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị… Cũng qua đó mà tỉnh có thêm cái nhìn cụ thể hơn, sâu sát hơn đối với những khó khăn ở cơ sở.
Chính Tâm nằm trong danh sách 55 xã được hỗ trợ theo Quyết định 140 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tuy chỉ cách trung tâm huyện Kim Sơn 11 km nhưng hiện Chính Tâm vẫn là một xã còn nhiều khó khăn, thậm chí còn là một địa phương chậm phát triển của huyện. Theo đồng chí Nguyễn Văn Pháp, Bí thư Đảng ủy xã: Dù đã có nhiều cố gắng nhưng đến nay đời sống của nhân dân địa phương còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 mới chỉ ở mức 19 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo là 17%. Kết cấu hạ tầng, đặc biệt hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, hệ thống kênh mương nhỏ, hẹp, xuống cấp nhiều và đa số chưa được kiên cố hóa…
Khó khăn của xã Chính Tâm đã và đang đặt ra rất nhiều cần có lời giải, như làm thế nào để sản xuất nông nghiệp của địa phương thoát khỏi tình trạng manh mún, để các hộ dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, phát triển nhiều các mô hình gia trại, trang trại lớn cho thu nhập cao… Đồng thời các giải pháp để tăng tỷ trọng sản xuất TTCN và dịch vụ thương mại trong cơ cấu kinh tế của địa phương, mở thêm nghề mới, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư cũng luôn là điều trăn trở đối với lãnh đạo xã (hiện không có doanh nghiệp nào đóng trên địa bàn xã). Mặt khác trong khi nguồn thu ngân sách của địa phương rất hạn hẹp thì việc huy động các nguồn lực hỗ trợ, đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp lại gặp khó khăn, nhất là nguồn vốn đóng góp trong nhân dân không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu để đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế và phát triển sản xuất.
Đối với xã Khánh Hồng (Yên Khánh) ngoài những khó khăn về kinh tế, trong công tác xây dựng Đảng, hoạt động của các chi bộ ở địa bàn thôn, xóm vẫn còn những mặt hạn chế. Việc xây dựng nội dung, chương trình, trình tự tổ chức buổi sinh hoạt chi bộ còn lúng túng, nhất là các chi bộ có đội ngũ cấp ủy chi bộ mới được bầu tại kỳ đại hội vừa qua. Bên cạnh đó, một số nghiệp vụ của chi bộ về quản lý đảng viên, kết nạp đảng viên, miễn sinh hoạt, công tác cho đảng viên chưa được chặt chẽ, có việc còn phải làm lại nhiều lần. Trong sinh hoạt chi bộ, Ban Chi ủy chưa phát huy hết khả năng tư duy, đóng góp ý kiến của đảng viên để xây dựng nghị quyết. Để khắc phục những hạn chế đó và nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của các chi bộ, điều cần thiết và cũng là mong đợi của địa phương đó là có thêm sự quan tâm, hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên môn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Huyện ủy Yên Khánh.
Từ thực tế ở xã Chính Tâm, xã Khánh Hồng và ở 53 xã được hỗ trợ theo Quyết định 140 có thể thấy mỗi địa phương lại có những khó khăn riêng nhưng điểm chung của các xã này là nếu chỉ dựa vào nội lực của chính địa phương đó thì sẽ mất rất nhiều thời gian thậm chí là rất khó khăn để họ có thể bắt nhịp được với sự phát triển của các địa phương khác trong huyện, trong tỉnh. Chính vì vậy Quyết định 140 được ban hành là một cách để tiếp sức và trao những cơ hội quý báu cho các xã này vươn lên.
Quyết sách hợp lòng dân
Quyết định 140 và sau đó là Quy định 141 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nêu rõ, đối với các cơ quan, đơn vị được phân công, định kỳ mỗi tháng ít nhất một lần lãnh đạo phải xuống xã được phân công phụ trách để theo dõi, nắm chắc tình hình kinh tế-văn hóa-xã hội, an ninh-quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị; diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc ở xã đến các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết, theo dõi việc giải quyết các vấn đề này. Đồng thời tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ xã xây dựng chương trình, kế hoạch và tìm các giải pháp hữu hiệu để phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng… nhất là những lĩnh vực còn nhiều hạn chế để tạo chuyển biến rõ nét về mọi mặt. Đối với các doanh nghiệp kết nghĩa, căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình để giúp đỡ, hỗ trợ xã đặc thù trong việc dạy nghề, giải quyết việc làm; liên doanh, liên kết trong sản xuất; tham gia giúp đỡ xây dựng cơ sở hạ tầng…
Ngay khi Quyết định này được ban hành, có rất nhiều ý kiến thể hiện sự đồng tình cao. Đồng chí Nguyễn Văn Pháp, Bí thư Đảng ủy xã Chính Tâm (Kim Sơn) phấn khởi nói: Đây là chủ trương kịp thời, cần thiết, có ý nghĩa rất lớn giúp cho các xã giải quyết những khó khăn, vướng mắc, thay đổi tư duy lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chủ trương này được cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã Chính Tâm nói riêng và nhiều xã đặc thù khác cũng như nhân dân trong tỉnh nói chung rất mong chờ, đồng tình, hưởng ứng và tin tưởng chủ trương của tỉnh sẽ sớm đi vào cuộc sống.
Không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân ở các xã đặc thù, theo đồng chí Lê Xuân Minh, Bí thư Huyện ủy Gia Viễn: Thông qua việc thực hiện Quyết định 140 còn giúp đội ngũ cán bộ công chức, đảng viên thực sự gần dân, sát dân, hiểu dân và trọng dân, vì dân. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ ở các cơ quan, đơn vị phụ trách tiếp xúc, gắn bó, nắm rõ hơn về tình hình ở cơ sở, có kinh nghiệm thực tiễn, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ chuyên môn của mình, trên cơ sở đó tham mưu, đề xuất với lãnh đạo để ban hành những chính sách sát với thực tiễn hơn.
Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (đơn vị được phân công hỗ trợ xã Đông Sơn (Tam Điệp)) cho biết: Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương này của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Bởi khi triển khai Quyết định 140 thì không phải chỉ các địa phương được hưởng lợi mà ngay cả các doanh nghiệp tham gia như chúng tôi cũng sẽ có thêm điều kiện để hiểu biết, thông cảm và chia sẻ với địa phương, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Đặc biệt, đối với đảng ủy của Công ty là đảng ủy của một đơn vị sản xuất, kinh doanh, thông qua hoạt động kết nghĩa lần này, đảng ủy sẽ học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với đảng ủy xã kết nghĩa trong công tác xây dựng Đảng.
Với mục tiêu đã đề ra, Quyết định 140 đang được chờ đợi sẽ mang lại hiệu quả thiết thực đối với sự phát triển của các địa phương.
Đào Duy
Kỳ II: Để cơ hội sớm trở thành hiện thực