Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, sự lựa chọn 4 chủ đề để chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội trong kỳ họp này là rất đúng và trúng với tình hình thực tế hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, các đại biểu Quốc hội đặt các câu hỏi đi thẳng vào vấn đề, ngắn gọn, rõ ràng, không bình luận làm khó cho người trả lời. Các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ trả lời thẳng vào vấn đề, ngắn gọn, rõ ràng, đưa ra được các giải pháp thiết thực, hiệu quả, nêu rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, thời gian thực hiện.
Tiếp đó, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền trình Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.
Theo báo cáo, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, cử tri cả nước đã gửi đến Quốc hội 2.530 kiến nghị về hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổng hợp, phân loại, xử lý những kiến nghị trùng lặp, còn 2.108 kiến nghị đã chuyển đến cơ quan có thẩm quyền. Đến trước kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền đã nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời 2.108 kiến nghị, đạt 100%.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã "mở màn" trả lời chất vấn trước Quốc hội. Nội dung trả lời của Bộ trưởng tập trung vào 4 vấn đề: Tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; những tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục trong thời gian tới; Thực trạng "liên kết 4 nhà" và giải pháp ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; Giải pháp tiêu thụ sản phẩm và quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững cây công nghiệp ở Việt Nam hiện nay; Giải pháp hỗ trợ ngư dân khai thác nguồn lợi thủy sản, bảo vệ và phát triển ngư trường.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về vấn đề "làm gì để ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp?", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp cho biết: Hiện nay chúng ta đang thực hiện cơ chế thị trường. Vì vậy, chúng ta tổ chức sản xuất nông nghiệp cũng phải phù hợp với cơ chế thị trường. Hơn thế nữa, nước ta nói chung và nền nông nghiệp nước ta nói riêng cũng đang hội nhập rất sâu sắc vào nền kinh tế thế giới. Vì thế nên phải định hướng sản xuất phù hợp với thị trường thế giới. Bản chất của thị trường thế giới cũng như thị trường nông sản nói chung, luôn có sự thay đổi. Để đạt được một sự ổn định tương đối, có nghĩa chúng ta phải làm cho sản xuất của nông nghiệp nước ta bám sát và phản ứng nhanh nhạy với những diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế để luôn đạt được hiệu quả cao nhất. Chúng ta không thể kỳ vọng có một thị trường luôn luôn có giá ổn định ở mức cao có lợi cho nông dân. Chúng ta phải tìm cách để thích ứng với thị trường. Để thích ứng với thị trường kinh nghiệm hơn 20 năm vừa qua cho thấy, cách tốt nhất chúng ta phải lựa chọn và phát huy những lợi thế của nước chúng ta, hỗ trợ bà con nông dân làm ra sản phẩm với chất lượng cao hơn với giá thành hạ hơn để trong mọi tình huống của thị trường thì nông sản của nước ta có khả năng cạnh tranh cao, vẫn có thể bán được nhiều hơn với giá có lợi cho nông dân.
Với cách làm như vậy, trong hơn 20 năm qua nông nghiệp của nước ta đã liên tục phát triển, trước những diễn biến mới chúng ta sẽ tiếp tục hội nhập sâu sắc hơn với thị trường quốc tế. Theo Bộ trưởng, về cơ bản chúng ta vẫn nên tiếp tục cách tiếp cận đó. Tuy nhiên, ở trong nước chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ nông dân để nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản và hỗ trợ nông dân nhất là vào lúc thị trường có những biến động bất lợi, một mặt tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để giúp đỡ cho các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản một cách thuận lợi và có hiệu quả, mặt khác hỗ trợ bà con nông dân duy trì được giá không bị giảm quá sâu để rồi thua lỗ và thực hiện được những giải pháp mà có thể giảm thiểu những tổn thất. Ví dụ như hỗ trợ cho nông dân vay vốn để vượt qua lúc khó khăn.
Đặc biệt là chúng ta đã giúp cho nông dân sản xuất các loại nguyên liệu rất tốt nhưng khâu về chế biến ở nước ta vẫn còn hạn chế, vì thế trong giai đoạn tới ngoài việc giúp bà con nông dân nâng cao khả năng cạnh tranh, nâng cao chấp lượng và hạ giá thành, đối với nguyên liệu thì tập trung vào phát triển khâu bảo quản và chế biến. Đó cũng là một giải pháp có thể giúp ổn định thị trường trong điều kiện biến đổi, kế hoạch và giải pháp nghiên cứu chuyển giao khoa học, kỹ thuật bảo quản và chế biến. Đây là một chủ trương lớn trong phát triển nông nghiệp của nước ta. Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đã xây dựng đề án, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có phê duyệt kế hoạch tổng thể cũng như những đề án cho từng chuyên ngành.
Hiện nay, Bộ đang nỗ lực thực hiện ngoài việc đầu tư để cho các cơ quan nghiên cứu khoa học nghiên cứu và chuyển giao cho nông dân, theo tôi vấn đề quan trọng nhất hiện nay là hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Ngày càng nhiều các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo quản và chế biến nông sản. Quan trọng không phải chỉ là chế biến mà phải chế biến ra những sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường và đặc biệt phải có các mối quan hệ thị trường để có thể tiêu thụ được sản phẩm làm ra. Vì thế, không có ai có thể làm tốt hơn đó chính là doanh nghiệp…
Tại phiên chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã tham gia giải trình thêm về một số vấn đề liên quan.
Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn. Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Thông tin và Truyền thông tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề liên quan.
Mai Lan