Mở đầu phiên họp buổi sáng, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, sau đó các đại biểu tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết.
Với 89,88% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.Nghị quyết được thông qua với mục tiêu cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển, hoàn thiện cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội thiết yếu, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016- 2020 và cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020 tập trung bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm, cần thiết, cấp bách làm cơ sở đẩy mạnh sự phát triển kinh tế- xã hội của cả nước, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền; khai thác tối đa, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác. Không bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư;
Đồng thời, ưu tiên vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ và các vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ về nhà ở đối với hộ người có công với cách mạng; các nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống, khắc phục tình trạng hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, sự cố ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung;
Việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016- 2020 đầu tư cho các ngành, lĩnh vực, các chương trình phải tuân thủ theo quy định tại Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016- 2020. Đối với tiền bán vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp, ưu tiên đầu tư cho các dự án quan trọng, mang lại hiệu quả kinh tế.
Trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi), các đại biểu cho rằng việc nghiên cứu, sửa đổi Luật trợ giúp pháp lý là cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước, yêu cầu chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Qua thảo luận, đa số ý kiến tán thành với việc mở rộng người thuộc diện được trợ giúp pháp lý và cho rằng, quy định về đối tượng được trợ giúp pháp lý trong dự thảo Luật là chưa đầy đủ, không thống nhất và thực chất là thu hẹp hơn đối tượng được trợ giúp pháp lý so với các luật hiện hành.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị điều chỉnh đối với cả những đối tượng đang được trợ giúp pháp lý theo các văn bản dưới luật hiện nay (như: người bị nhiễm chất độc hóa học, bị nhiễm HIV mà không có nơi nương tựa; người tham gia tố tụng hình sự là người chưa thành niên, bao gồm người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, người làm chứng), tránh việc bỏ chính sách trợ giúp pháp lý đối với các đối tượng yếu thế này, gây ra những tác động tiêu cực trong xã hội...
Buổi chiều, các đại biểu tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).
Trong các phiên thảo luận ở hội trường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu.
Cùng ngày, Quốc hội có phiên họp riêng về việc xem xét dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Mai Lan