Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chưa làm rõ được mối liên hệ chặt chẽ giữa hoạt động tiếp công dân và quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; chưa phân định rõ tính chất tiếp công dân của cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo với tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức còn lại. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định phân biệt giữa mô hình tiếp công dân tập trung và mô hình tiếp công dân tại các cơ quan nhà nước (bao gồm các cơ quan hành chính nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước); đồng thời phải gắn quy định về trách nhiệm của người đứng đầu với trách nhiệm của các cơ quan nói trên trong công tác tiếp công dân.
Đối với quy định về các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân, nhiều ý kiến đề nghị Luật chỉ nên quy định về hoạt động tiếp công dân của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội mà không nên quy định trách nhiệm tiếp công dân của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp có sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước để tránh dàn trải, trong khi yêu cầu, tính chất của hoạt động tiếp công dân đối với từng loại cơ quan, tổ chức, đơn vị lại có những đặc thù nhất định.
Liên quan đến Trụ sở tiếp công dân, nhiều ý kiến đề nghị cần có quy định về Trụ sở tiếp công dân theo hướng Trụ sở tiếp công dân sẽ là nơi tiếp công dân chung của các cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, ý kiến khác cho rằng không nên thành lập Trụ sở tiếp công dân chung mà nên giao cho các các cơ quan, đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ cụ thể tổ chức tiếp công dân tại cơ quan, đơn vị mình đảm bảo sát với yêu cầu thực tiễn.
Theo một số đại biểu, việc tổ chức tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, hoạt động tiếp công dân của Quốc hội, HĐND, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND có liên quan tới nhiều quy định khác của pháp luật như quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND, quy định về chế độ tiếp xúc cử tri, về tiếp nhận, xử lý đơn thư của công dân....
Do đó, để tránh trùng lặp hoặc mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật, đề nghị bổ sung trong Luật quy định giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội căn cứ vào các quy định của Luật tiếp công dân quy định chi tiết về tiếp công dân của các cơ quan Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, đại biểu HĐND các cấp. Về quy trình tổ chức tiếp công dân, một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn quy trình tổ chức tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và cần phân biệt rõ với các bước của quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ngoài ra, Dự thảo cũng cần bổ sung quy định về trách nhiệm của người tiếp công dân trong việc thông báo cho người đã đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh biết về kết quả xử lý, thụ lý bước đầu đối với các khiếu nại, tố cáo nhận được và cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân.
Trước đó trong phiên họp toàn thể vào buổi sáng, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ công an Trần Đại Quang trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội. Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường trình bày Báo cáo về công tác thi hành án và kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội…
Quốc Khang