Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể về đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp; tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động; tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý doanh nghiệp; giám sát hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp... Có đại biểu đề nghị dự thảo Luật phải tạo đột phá về thể chế nhằm tác động mạnh mẽ đến tái cơ cấu nền kinh tế đất nước, gắn kết chặt chẽ với hệ thống pháp luật có liên quan đã ban hành như Luật Đầu tư công, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như các dự án luật liên quan đang được Quốc hội xem xét tại kỳ họp lần này. Đặc biệt, cần phải phân định rõ về thẩm quyền gắn với trách nhiệm của tổ chức, cá nhân từ Chính phủ, bộ, ngành Trung ương đến các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp... Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận ở tổ 19 cùng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Phú Yên, Bắc Kạn, Cà Mau.
Thảo luận về Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông, đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) đồng tình với chủ trương đổi mới sách giáo khoa phổ thông bởi hiện nay chương trình giáo dục còn nhiều bất cập. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng để đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông hiệu quả thì các trang thiết bị giảng dạy cũng phải được đổi mới để tạo sự đồng bộ.
Ngoài việc đồng tình với sự cần thiết phải đổi mới sách giáo khoa, đại biểu Bùi Văn Phương, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cũng bày tỏ băn khoăn về chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với việc đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học dựa trên hình thức nhận xét, không cho điểm. Đại biểu cũng cho rằng việc đổi mới giáo dục chưa thực sự hiệu quả là do cách làm của Bộ chưa thấu đáo, có phần hơi vội vàng.
Đại biểu đề nghị nên để các nhà khoa học tham gia soạn thảo sách giáo khoa như thế sẽ tốt hơn việc chỉ để một mình Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì việc biên soạn sách giáo khoa. Song song với việc đổi mới sách giáo khoa, cần có những đổi mới về việc tuyển chọn đội ngũ những nhà giáo. Đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiến hành chương trình đổi mới sách giáo khoa một cách thận trọng, có lộ trình, bước đi phù hợp và cần phải làm thí điểm. Bên cạnh đó, cần có Quy chế cụ thể trong việc lựa chọn nhà in sách, tránh tình trạng xuất bản những bộ sách giáo khoa không thực sự tốt chỉ vì lợi ích nhóm...
Trước đó, chiều ngày 10/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán Ngân sách năm 2015, với 88,13% đại biểu tán thành. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2015 là 911.100 tỷ đồng (tính cả 10.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn từ năm 2014 sang thì tổng số thu là 921.100 tỷ đồng); tổng chi cân đối ngân sách nhà nước 1.147.100 tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 226.000 tỷ đồng, tương đương 5% GDP.
Đặc biệt, cũng theo Nghị quyết thì bắt đầu từ ngày 1/1/2015 sẽ thực hiện điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống). Như vậy, khoảng 6,3 triệu người sẽ được điều chỉnh tăng lương từ đầu năm 2015.
Mai Lan