Về khái niệm "khủng bố", theo một số đại biểu, khủng bố là một loại tội phạm, do vậy khái niệm "khủng bố" trong dự thảo phải thống nhất với các hành vi khủng bố đã được quy định trong Bộ luật hình sự. Ý kiến khác cho rằng, công tác phòng ngừa khủng bố được thực hiện bằng nhiều biện pháp, việc xử lý hình sự chỉ là một biện pháp khi hành vi đó đã xảy ra và đã được xác định là tội phạm. Do đó, khái niệm "khủng bố" trong dự thảo Luật không nên đồng nhất với quy định "tội khủng bố" của Bộ luật hình sự, mà cần mở rộng hơn so với quy định của Bộ luật hình sự về chủ thể, mục đích và các hành vi khủng bố đã xuất hiện trong thực tế. Việc quy định đầy đủ, cụ thể các hành vi khủng bố sẽ giúp cho mọi tổ chức, cá nhân dễ nhận biết, thuận lợi cho công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và hợp tác quốc tế trong phòng, chống khủng bố.
Đối với quy định về Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố (Điều 9), nhiều đại biểu đề nghị nên thành lập các Ban chỉ đạo phòng, chống khủng để tham mưu, điều hòa phối hợp liên ngành về công tác phòng, chống khủng bố. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn phòng, chống khủng bố và không làm phát sinh thêm tổ chức, lực lượng mới thì trong dự thảo cần quy định rõ việc thành lập các Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố theo hướng: Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia do Chính phủ thành lập; Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố cấp tỉnh do UBDN cấp tỉnh thành lập; chỉ khi cần thiết và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ thì bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố thuộc bộ, ngành mình và tất cả các Ban Chỉ đạo đều hoạt động kiêm nhiệm. Về lực lượng chuyên trách thực hiện chống khủng bố (Điều 10), nhiều ý kiến cho rằng, không nên thành lập lực lượng chuyên trách, mà nên giữ phương thức tổ chức như hiện nay là giao nhiệm vụ cho một số đơn vị để huấn luyện, đồng thời tăng cường trang bị, phương tiện, vũ khí cho các lực lượng hiện có để sẵn sàng làm nhiệm vụ, vì nếu thành lập lực lượng chuyên trách sẽ tốn kém, lãng phí.
Theo một số đại biểu, các quy định về biện pháp phòng ngừa khủng bố tại Chương III còn chung chung, phần lớn chỉ viện dẫn quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác, do đó đề nghị thiết kế lại để bảo đảm nội dung của quy phạm pháp luật hoặc gộp nội dung các điều luật trong Chương III thành một điều, ngoài ra nên bổ sung các biện pháp phòng ngừa khủng bố do các chủ thể khác thực hiện như các biện pháp về chính trị, kinh tế, ngoại giao... Liên quan đến các quy định về hợp tác quốc tế về phòng, chống khủng bố tại Chương VI, nhiều ý kiến cho rằng, từ thực tiễn cho thấy, khủng bố thường hoạt động xuyên quốc gia và đe dọa an ninh quốc gia, an ninh khu vực, an ninh toàn cầu nên hợp tác quốc tế trong phòng, chống khủng bố là rất cần thiết. Tuy nhiên hợp tác quốc tế cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị các thế lực thù địch lợi dụng can thiệp hoặc biến nước ta trở thành mục tiêu tấn công của các đối tượng khủng bố quốc tế. Do vậy, đề nghị dự thảo Luật cần xác định rõ nội dung, mức độ hợp tác quốc tế, cụ thể chỉ nên hợp tác trong lĩnh vực cung cấp, trao đổi, xử lý thông tin trong khuôn khổ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên...
Trước đó, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ công an Trần Đại Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy. Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy và Báo cáo của giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phòng, chống khủng bố. Buổi chiều Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Quốc Khang