Tham dự có lãnh đạo Sở NN&PTNT, các đơn vị trực thuộc Sở, trưởng phòng nông nghiệp, kinh tế các huyện, thành phố; bí thư, chủ tịch HĐND, UBND, giám đốc HTX các xã.
Những năm qua, nông nghiệp nông thôn Ninh Bình đã có bước phát triển khá toàn diện. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng trưởng ổn định, giai đoạn 2010-2015 bình quân tăng 1,7%/năm, chiếm tỷ trọng 12,5% tổng GDP toàn tỉnh; thu nhập bình quân đầu người của cư dân nông thôn năm 2015 đạt 25 triệu đồng/người, tăng 11,8 triệu đồng so với năm 2010.
Cơ sở hạ tầng nông thôn được tăng cường, phong trào xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Tỷ lệ cơ giới hóa các khâu sản xuất nông nghiệp được nâng lên bình quân 20-25%; giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha đất canh tác năm 2015 đạt 96,5 triệu đồng.
Tuy vậy, nông nghiệp Ninh Bình vẫn bộc lộ một số hạn chế như: chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp còn chậm, sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, chưa gắn kết chặt chẽ với chế biến và tiêu thụ, ruộng đất manh mún, ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tháng 10/2016, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030.
Ngay sau đó, HĐND và UBND tỉnh cũng đã ban hành nghị quyết và kế hoạch để triển khai thực hiện. Theo đó, mục tiêu cơ bản là phát huy lợi thế và tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững; từng bước xây dựng và nhân rộng mô hình mỗi làng một nghề, mỗi xã một sản phẩm chủ lực.
Xây dựng mô hình tái cơ cấu nông nghiệp cấp xã đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, phương thức tổ chức sản xuất hàng hóa với quy mô đủ lớn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ sinh học, tạo đột phá, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân.
Cụ thể: giai đoạn 2016-2020, đảm bảo tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành bình quân đạt trên 2%/năm, đến năm 2030 giá trị sản xuất đạt trên 200 triệu đồng/1ha đất canh tác.
Giải pháp được đưa ra là: quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất đai hợp lý, cơ cấu lại sản phẩm nông nghiệp hàng hóa; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa với sản phẩm có lợi thế, gắn kết thị trường tiêu thụ; tăng cường công tác quản lý nhà nước và khuyến khích phát triển hệ thống dịch vụ nông nghiệp; tăng cường xúc tiến thương mại, xác lập phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu một số nông sản chủ lực; đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất; nâng cao hiệu quả của các hình thức tổ chức sản xuất; hoàn thiện cơ chế chính sách và tăng cường nguồn lực để phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa…
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã được đại diện Sở NN&PTNT hướng dẫn một số nội dung cụ thể để thực hiện các nghị quyết, kế hoạc trên; đồng thời nghe lãnh đạo xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh trao đổi về kinh nghiệm khi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn.
Thông qua hội nghị đã giúp cán bộ, đảng viên nắm vững quan điểm, chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển nông nghiệp; từ đó làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền rộng rãi những nội dung cơ bản trong cán bộ, công chức, viên chức, mọi tầng lớp nhân dân, góp phần đưa các Nghị quyết vào cuộc sống.
Hà Phương-Đức Lam